Độc đáo tranh gạo Việt
Chị Nguyễn Thị Kim Hương, nghệ nhân của một phòng tranh trên đường Lê Đức Thọ (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thời sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Đồng Nai, chị thường theo chân các anh chị khóa trên tham dự các câu lạc bộ nghệ thuật, nhóm hoạt động, nhóm sinh hoạt… để trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm sống cho bản thân, và kết tranh gạo chỉ là một trong những hoạt động ngoại khóa đó. Sau khi ra trường (năm 2008), chị đã tự kết được các loại tranh gạo đơn giản để tặng bạn bè, người thân… nhiều người thấy đẹp đặt hàng “nhờ” chị làm. Dần thành quen, tranh gạo đã trở thành nghề giúp chị kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gần 10 năm nay.
Chị Ngô Thị Hải Yến đang chỉnh sửa bức tranh tại phòng khách. |
Tranh gạo được kết từ những hạt gạo theo khung hình có sẵn thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, bởi một bức tranh đẹp phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về màu sắc, bố cục, độ khít, hài hòa của hạt gạo khi đó mới toát lên hồn cốt sinh động mà bức tranh chuyển tải. Nghệ nhân không chỉ đơn giản xếp những hạt gạo vào khuôn hình có sẵn mà phải dồn hết niềm đam mê, tình cảm của mình vào bức tranh và đặc biệt không thể thiếu là khiếu thẩm mỹ của từng người. Chị Hương cho biết thêm, màu sắc của tranh gạo rất đơn giản, chỉ có các màu cơ bản: trắng, vàng, nâu, đen. Từ 4 màu đó, nghệ nhân phải sáng tạo thành 26 bậc màu khác nhau hoàn toàn thủ công bằng cách đảo hạt gạo thật đều dưới ngọn lửa thật nhỏ. Đây là công đoạn khó nhất, bởi công việc này hoàn toàn dựa trên cảm quan của từng người, chỉ cần căn lửa không đúng, thời gian hoặc đảo không đều thì màu sắc của hạt gạo sẽ không đúng với màu mình cần. Gạo nguyên liệu có thể là gạo nếp, gạo tẻ nhưng tuyệt đối phải là hạt nguyên vẹn, thon dài, kích cỡ đồng đều, săn chắc. Tùy vào từng màu sắc mà thời gian rang khác nhau, từ vài phút (màu trắng) đến 8 tiếng (màu đen). Sau khi tạo màu cho gạo thì lựa chọn, sắp xếp từng hạt bằng nhíp chuyên dụng lên bản vẽ phác thảo trên khung gỗ và kết dính với nhau bằng keo sữa (loại keo kết dính tốt, nhanh khô và không có màu). Sau đó quét một lớp keo bảo vệ lên trên bề mặt, tránh mối mọt rồi phơi nắng từ 1 – 2 ngày để hạt gạo dính chặt hơn và màu sắc bức tranh trở nên bóng bẩy, sinh động hơn.
Trước đây, tranh gạo chủ yếu mô phỏng lại các bức thư pháp, tranh đông hồ, phong thủy…, nay tranh gạo được thể hiện theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Chị Ngô Thị Hải Yến, một người làm tranh gạo tại phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, tranh gạo có một nét riêng biệt là màu sắc đơn giản, chỉ có gam màu tĩnh (màu tối), bền bỉ với thời gian nên khi nhìn vào có cảm giác thanh tĩnh, thuần Việt; chính nét riêng biệt đó đã cuốn hút nhiều người đến với sản phẩm nghệ thuật này. Chị Trần Thị Bích Phương một người Việt Nam sống tại Nhật Bản cho biết, trong một chuyến về thăm quê, chị đã mua một bức tranh gạo nhỏ, mô phỏng lá cờ Tổ quốc nên đợt này trước khi về Việt Nam chị đã đặt trước vài bức khác để tặng bạn bè. Ngoài những bức tranh theo chủ đề truyền thống, ngày nay người làm tranh gạo còn có thể sáng tác theo đơn đặt hàng của khách như tranh tín ngưỡng, mô phỏng chân dung, quê nhà, bản đồ Việt Nam…, thậm chí kết gạo lên những vật dụng quen thuộc như đèn bàn, hộp bút, ly tách…, đặc biệt các cặp uyên ương rất thích thú với loại hình nghệ thuật độc đáo và mới mẻ này. Theo đó, khách hàng sau khi chụp hình cưới xong sẽ mang bức hình ưng ý nhất tới phòng tranh để người làm dựa vào bức hình đó mô phỏng thành tranh gạo. Tùy vào độ khó, kích cỡ của từng bức tranh mà thời gian làm cũng khác nhau từ 1 – 2 tuần/bức, thậm chí cả tháng nên giá cũng khá cao, giao động từ 600.000 – 6.000.000 đồng/bức. Nếu bảo đảm các khâu kỹ thuật, trong điều kiện thông thường, tuổi thọ của tranh gạo có thể kéo dài trên 10 năm.
Khi cuộc sống của con người càng phát triển thì nhu cầu sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên, lạ mắt tăng theo và tranh gạo nghiễm nhiên trở thành món quà độc đáo, thuần Việt được nhiều người lựa chọn để chưng trong phòng khách, phòng ngủ, biếu làm quà…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc