Multimedia Đọc Báo in

Có những chiều quê

07:11, 15/11/2015
Có những buổi chiều, khi cái nắng hè gay gắt đã dịu dần, lũ trẻ xóm tôi lại hò nhau ra đồng bắt cua. Đứa cầm theo xô, đứa cầm theo chậu, đứa túi cước, giỏ lác … Cả bọn huỳnh hụych kéo nhau đi.

Đồng lúa đầu làng đang thì con gái trải một màu xanh mượt. Có vài đôi mảnh ruộng xanh non xen lẫn khiến cảnh đồng quê thêm tươi tắn. Chúng tôi mình trần trùng trục, đứa lội dọc theo mương nước giữa đồng, đứa lom khom nghiêng ngó bên bờ ruộng. Hang cua nằm sâu trong bờ mương, bờ ruộng, mấp mé mép nước. Cả bọn nhanh nhẹn tìm kiếm, vạch cỏ, gạt bùn tóm gọn những chú cua đang ẩn mình trong hang. Chốc chốc lại í ới gọi nhau. Đứa thì hí hửng khoe con cua càng vừa bắt được, đứa lại kêu oai oái vì bị cua cặp. Có đứa chợt ré lên vì móc trúng lỗ rắn … Cứ thế, rộn cả đồng chiều.

Nắng chiều đã nhạt, cua bắt được cũng đã hòm hòm, cả bọn kéo nhau về. Đứa nào chân tay cũng lấm lem, có đứa bùn vấy lên cả mặt. Xóc xóc mớ cua lạo xạo trong giỏ, chúng tôi bảo nhau bước nhanh để mang cua về kịp làm bữa cơm chiều.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Cua đem về rửa sạch, bóc bỏ mai, khều gạch để riêng. Cua được giã trong cối đá cho thật nhuyễn, lọc lấy nước đem nấu. Rau để nấu canh cua thì rất sẵn : rau đay hái sau vườn, mồng tơi vặt ngoài  bờ rào, mướp hương bứt trên giàn cạnh bờ ao … Toàn cây nhà lá vườn, tất cả đều tươi ngon, mơn mởn. Canh sôi, thịt cua chín nổi từng tảng, bỏ gạch cua và các loại rau vào đun tiếp, tra thêm mắm muối. Nồi cơm cũng vừa chín tới. Mâm cơm được dọn ra dưới mái hiên, nóng hôi hổi. Cả nhà ngồi quây quần. Lúc này, ngày đã tàn nhưng đêm chưa tới, từng vạt mây còn đỏ ối góc trời tây. Gió nam hây hẩy. Bữa cơm đơn sơ mà thật ngon miệng. Thịt cua đóng gạch từng tảng, ăn vào miệng cứ mềm tan ra, ngọt đậm. Miếng canh rau đay, rau mồng tơi trơn lừ, mướp hương thơm như xôi nếp. Cơm nấu trong nồi gang, đun bếp củi, vần tro nóng, hạt nào hạt nấy trắng ngần, thơm dẻo. Thêm miếng cà pháo trắng tinh muối giòn, chua chua mặn mặn. Ăn cơm ăn canh mà như được ăn cả cái hương vị ngọt lành, thơm mát của ruộng vườn ; lại ngồi ăn trong cái không khí êm đềm, thanh bình của làng quê lúc chiều tà … lòng người bỗng thấy thật thảnh thơi, nhẹ nhõm.

Có những buổi chiều, cả bọn lại rổ rá, xô chậu rủ nhau ra sông. Dòng sông nhỏ sau đợt mưa lũ, nước xanh trong, lặng lờ, êm ả trôi. Bên kia sông là bãi bồi mơn mởn phù sa. Bờ bên ấy có nhiều hến. Chúng tôi bơi sang, ngụp lặn, vùng vẫy, nô đùa chán rồi bắt đầu mò hến. Bờ sông ven bãi bồi dốc thoai thoải, nước chỉ sâu ngang bụng. Đáy sông cát mịn âm ấm lẫn bùn non sánh mượt. Hến nhiều vô kể, lùa tay một cái đã được cả vốc. Chẳng mấy chốc đã mò được cả thau hến.

Hến đem nấu canh, nấu cháo hay hến xào xúc bánh tráng, món nào cũng ngon, dễ làm. Phổ biến nhất vẫn là canh hến. Trước hết phải ngâm hến trong nước chừng nửa buổi cho nhả hết bùn đất rồi rửa sạch, đem luộc. Luộc cho đến khi thấy vỏ hến há ra là được. Tách lấy thịt hến, rửa lại, đem ướp mắm muối, gia vị cho vừa ăn. Xào cho thịt hến chín săn lại rồi đổ nước luộc hến vào làm canh, sau cùng bỏ rau cải hay bầu, mướp vào. Rắc thêm chút hành lá thái nhỏ, vài cọng rau thơm. Bát canh ngọt ngon, thơm vị đặc trưng của hến. Những ngày nóng nực, bát cơm chan canh hến ăn vào thật mát lòng mát dạ. Món hến xào cũng rất được ưa thích. Hến xào vừa giòn vừa bùi, thơm cay vị ớt. Ăn cùng bánh tráng giòn rụm, vừa là thức ăn đưa cơm vừa là món quà quê ăn chơi mà no bụng. Còn nồi cháo hến mẹ nấu cho ta ăn khuya mỗi khi thức đêm học bài thì thơm ngon hơn bất cứ món đặc sản nào.

Những buổi chiều như thế đã trở thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ của những đứa con đi xa. Để rồi có những buổi chiều, những đứa con xa quê ngồi trong căn phòng trọ nơi thành phố, lặng nhìn ánh hoàng hôn đỏ ối góc trời tây, mơ thấy cánh đồng, dòng sông, bờ bãi rồi lại ước ao được trở về với tháng ngày đẹp đẽ, hồn hậu của tuổi thơ.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.