Multimedia Đọc Báo in

Những mùa Tết yêu thương

07:30, 08/02/2016

Đã thành thông lệ, trước Tết đám con cháu tề tựu đông đủ tại nhà nội để đi tảo mộ. Nội bảo, sang năm mới tất cả mọi thứ đều phải được tươm tất kể cả nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên. Sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất... Hơn nữa ngày tảo mộ còn là dịp để thắt chặt tình yêu thương, gắn bó giữa anh em con cháu trong gia đình.

Không cần phải phân chia mỗi người tự biết phần việc của mình để làm. Người lớn cầm theo dao, rựa phát quang cây cối xung quanh các nấm mồ, lấy vôi quét trắng lại những ngôi mộ đã ố màu. Trẻ con mang theo chổi quét khuôn viên nghĩa trang nơi ông bà tổ tiên đang yên nghỉ. Khi mọi thứ đã tươm tất tất cả con cháu kính cẩn thắp hương, cầu nguyện sang năm mới may mắn và suôn sẻ.

Quay trở  về  nhà chúng tôi ngồi vây quanh để nghe nội dặn dò. Sang năm mới điều gì nên làm, điều gì cần phải tránh. Từ việc ăn mặc sao cho đẹp cho đến đi đứng, chào hỏi sao cho phải lễ phép. Nội dặn, đứa lớn thì phải bảo ban cho đứa bé. Nội có gần 30 cháu chắt nhưng người hiểu và thuộc như lòng bàn tay từng tính nết, tuổi tác của mỗi đứa cháu, chắt. Năm tuổi của tôi nội dặn phải hết sức kiêng cữ, cẩn thận… Nội cũng không quên kiểm điểm những việc làm không tốt của mỗi người. Nội nhắc anh con bác cả phải giảm bớt tính nóng nảy, ra đường đừng có gây sự với ai mà mang họa vào thân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cha mẹ và cả dòng họ… Mỗi lời nội nói nhẹ nhàng nhưng thấm vào tâm can của mỗi đứa cháu. Ai cũng tự hứa sang năm mới làm tốt những lời nội dặn, để nội, gia đình, dòng họ không phải phiền lòng.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Sau phần nhận xét nội trao cho mỗi đứa một phong bao lì xì đỏ chót, mỗi phong bao lì xì là một mệnh giá khác nhau, tùy vào sự cố gắng trong năm của mỗi người. Nội nói: “Đứa nào ngoan, giỏi nội thưởng nhiều, đứa nào chưa ngoan nội thưởng ít, đó là quy luật, sau này lớn lên các con sẽ hiểu”. Nội lì xì luôn cả cho mấy đứa nhà cô Hà (cô Hà là con riêng của ông). Có lần tôi thắc mắc với bà nội: “Mấy em nhà cô Hà có máu mủ ruột rà gì với nội đâu sao nội cũng thương?”. Nghe tôi nói vậy nội không hài lòng: “Sao lại không thương hả cháu? Người ngoài nội còn thương nữa là tụi nhỏ lại là ruột rà của ông tụi bây”. Từ đó tôi thấm thía và hiểu được phần nào trong con người nội. Đó là sự bao dung, nhân hậu và rộng lượng. 

Tôi nhớ nhất là cái năm nội có những năm đứa cháu học lớp 12. Giáp Tết, nội sai ba tôi xuống thị trấn mua năm chậu cây trạng nguyên về tặng cho năm đứa. Khỏi phải nói, chúng tôi hết sức bất ngờ với món quà của nội. Nội chỉ nói gọn ngắn một câu: “Cuối cấp rồi tụi bây nhớ học đàng hoàng, đừng để dòng họ phải hổ danh!”. Nội sâu sắc và tinh tế trong lời nói lẫn hành động. Chúng tôi dạ ran và thầm cảm ơn nội rất nhiều. Và, cả năm đứa cháu của nội năm đó đều vào được đại học, cao đẳng. Đó là một món quà tinh thần dành tặng riêng nội. Không nói ra nhưng tôi biết trong lòng nội rất vui.

Nội hiền lành, nhân hậu thì ai cũng biết. Ngoài ra, nội còn có một tài lẻ mà đám con cháu mỗi khi ai nhắc đến đều rất tự hào. Nội gói bánh chưng, bánh tét không cần khuôn mà vẫn vuông vức, tròn lẳn. Nội không thích cái kiểu “ăn sẵn” tức là chạy ù ra tiệm mua cái bánh chưng, hay đòn bánh tét là xong. Chiều 30 nội gọi mấy đứa cháu trai tập trung lại bày cách gói bánh chưng, bánh tét sao cho đẹp, khéo và nhanh. Nội nói: “ Giờ bây không học cách gói bánh, mai này cha mẹ bây già ai gói cho mà ăn? Lại tính đi mua hàng chợ chứ gì? Thế thì còn gì là Tết?”.

Vậy là một cái Tết nữa đã đến. Nỗi nhớ nội trong tôi lại ùa về. Tuổi thơ xưa, hạnh phúc làm sao khi nhận được những món quà ý nghĩ của nội, được nội chỉ bảo tận tình từng li từng tí. Đã hai năm nay rồi, tôi không còn được cảm giác hân hoan nhận những món quà từ tay nội nữa, không được nghe giọng nói thân thương trầm ấm của bà nội. Cả ông và bà đã ra đi sau cơn bạo bệnh. Đám con cháu khóc tiếc thương nội giữa ngày xuân nắng vàng rực… Tôi kính cẩn thắp cho nội một nén hương mà vẫn không sao nguôi được nỗi bùi ngùi, thương nhớ. Với tôi, nội là tất cả, là những mùa Tết yêu thương ngọt ngào nhất… 

Cao Văn Quyền


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.