Đến cà phê Kơ Nia xem "Cây Cọ Cùn"
Tôi được cô bạn đồng nghiệp mách: "Anh thử đến quán cà phê Kơ Nia (29A-Nguyễn Công Trứ-TP. Buôn Ma Thuột) xem tranh của các “họa sĩ nhí” vẽ và triển lãm ở đó. Em thấy rất hay và rất có ý nghĩa, nếu được, anh viết bài nho nhỏ để khích lệ thầy trò họa sĩ Lê Vấn - người đứng ra cùng các em tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Thiếu nhi mang cái tên ngộ nghĩnh “Cây Cọ Cùn” nhân dịp hè năm nay".
Trong không gian gần gũi, bình dị tại địa chỉ trên, tôi thấy gần 100 bức tranh cùng vô số mẫu tạo hình, trang trí đồ vật bằng giấy, gốm, đất nung… được các em sắp đặt và vẽ lên đó những hình thù ngộ nghĩnh, sinh động với đủ sắc màu, kích cỡ. Nói đây là tác phẩm nghệ thuật cũng được, không phải cũng chẳng sao, miễn là khi nhìn vào đó (nhất là các em thiếu nhi) đều chạm bật đến ý thức thẩm mỹ nhất định là mục đích đặt ra của cuộc triển lãm trên. Chị Võ Thị Huệ, chủ quán cà phê Kơ Nia cho biết, từ ngày khai mạc (15-5) đến nay, rất đông các cháu thiếu nhi đến xem, ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật lại càng rộn ràng, tấp nập hơn. Có đứa xem tranh rồi đòi bố mẹ tìm thầy Vấn để học vẽ, trong đó có đứa con của chị và nhiều phụ huynh khác, năm nay mới học lớp 2, lớp 3. Hầu hết phụ huynh đưa con em đến xem triển lãm đều cho rằng, đây thật sự là sân chơi bổ ích cho các cháu, góp phần bồi dưỡng và giáo dục thẩm mỹ cho con em mình.
Các em thiếu nhi tìm hiểu các tác phẩm tại buổi trưng bày. Ảnh: Nam Hà |
Nhiều người nhận xét, trong điều kiện hiện nay - trẻ em (ngay cả TP. Buôn Ma Thuột) còn thiếu sân chơi giúp các cháu rèn luyện thể chất - tư duy thẩm mỹ thì cuộc Triển lãm Mỹ thuật “Cây Cọ Cùn” của thầy trò họa sĩ Lê Vấn là việc làm có ý nghĩa và đáng khích lệ! Chị Lại Nam Hà, người Hà Nội cùng gia đình chuyển vào Buôn Ma Thuột sinh sống hơn 4 năm nay chia sẻ: “Con tôi ở thành phố này cũng được học vẽ một cách thường xuyên, bài bản theo sở thích là điều bất ngờ. Bởi tôi nghĩ, chỉ ở các thành phố lớn mới đáp ứng mong muốn ấy, nhưng qua các lớp học mỹ thuật do họa sĩ Lê Vấn hướng dẫn, bồi dưỡng tại tư gia, tôi thật sự yên tâm với việc học hành của con em mình”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Hương, công tác tại Đài PT-TH Đắk Lắk thừa nhận: “Thay vì chơi điện tử, hoặc bù khú với những trò vô bổ khác, thì tôi hướng cháu đến với sân chơi này của thầy Vấn nhằm bồi bổ, nâng cao kiến thức thực hành môn hội họa mà cháu yêu thích, cũng là cách giáo dục và chắp cánh ước mơ cho cháu sau này ”.
Từ suy nghĩ, trách nhiệm của các bậc phụ huynh nên mới có cuộc Triển lãm Mỹ thuật “Cây Cọ Cùn” này. Tất cả những tác phẩm mỹ thuật mà các em sáng tạo ra được họa sĩ hướng dẫn, biên tập trong quá trình học tập tại Studio của mình cũng như từ những lớp học mỹ thuật do anh phụ trách tại Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Cuộc triển lãm mở ra nhân dịp hè này, theo họa sĩ Lê Vấn là nhằm mục đích giáo dục thẩm mỹ cho các em, đồng thời qua đó giúp học sinh bậc tiểu học hiểu biết thêm về bộ môn mỹ thuật được trích dạy sơ lược trong chương trình giáo dục - đào tạo hiện nay. Ở trong nhà trường, các em chỉ được giới thiệu đại khái về bộ môn mỹ thuật - ví như, thế nào là tranh sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân, tranh lụa của họa sĩ Phan Văn Chánh… chứ không có điều kiện tiếp xúc, thực hành bộ môn được học. Nhưng khi được thầy Vấn hướng dẫn và cho thực hành tại nhà riêng của mình thì cảm xúc cũng như niềm đam mê mỹ thuật của các em được nâng lên đáng kể. Họa sĩ Lê Vấn thường bảo với các em: “Sơn dầu, màu nước đủ cả ở đấy, cứ vẽ ra những gì mình thích trên toan vải, giấy dó, giấy bổi và trên cả những tấm gỗ, gốm, đất nung đủ loại… miễn là ý thức thẩm mỹ của mỗi cá nhân đang theo đuổi được chạm đến và đánh thức”.
Kết quả là hàng trăm bức tranh, mẫu tạo hình, trang trí trên nhiều chất liệu phong phú được các em sáng tác và được thầy Vấn tuyển chọn để trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm Mỹ thuật mang tên “Cây Cọ Cùn” hết sức ngộ nghĩnh và độc đáo lần đầu tiên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc