Multimedia Đọc Báo in

Lắng trong "Gió bay về ngàn"

06:09, 27/08/2016

Công chúng tỏ ra rất yêu mến những ca khúc viết về con người và vùng đất Tây Nguyên, thậm chí nhiều người gọi tên nó như một mảng âm nhạc rất riêng: “Nhạc Tây Nguyên”. Chất hào sảng của đất và người Tây Nguyên cùng với vốn văn hóa giàu bản sắc trên đại ngàn này đã tạo nên diện mạo đặc trưng cho dòng âm nhạc ấy- hùng tráng, bao la và mạnh mẽ…

Trong phần giới thiệu về đêm gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ sĩ thực hiện album “Gió bay về ngàn” với người yêu âm nhạc ở TP. Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, nhạc sĩ Nguyễn Cường thành thực rằng: Vốn âm nhạc Tây Nguyên và cảm hứng sáng tác từ vùng đất này là nét đặc sắc trong tiến trình phát triển âm nhạc Việt Nam, trong đó có bản thân mình. Nếu như Không gian Văn hóa Cồng chiêng và sử thi Tây Nguyên là những giá trị phi vật thể tiêu biểu được mọi thế hệ trân trọng và bảo tồn, thì đời sống văn hóa - tinh thần cũng như cảnh sắc hùng vĩ và tuyện đẹp ở đây là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sĩ trong cả nước.

Ca sĩ Y Zắk thể hiện ca khúc
Ca sĩ Y Zắk thể hiện ca khúc "Voi không đuôi" của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Công chúng tỏ ra rất yêu mến những ca khúc viết về con người và vùng đất này, thậm chí nhiều người gọi tên nó như một mảng âm nhạc rất riêng: “Nhạc Tây Nguyên”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng như nhiều người khác thừa nhận điều đó và khẳng định thêm: Chất hào sảng của đất và người Tây Nguyên cùng với vốn văn hóa giàu bản sắc trên đại ngàn này đã tạo nên diện mạo đặc trưng cho dòng âm nhạc ấy- hùng tráng, bao la và mạnh mẽ…

Có thể thấy rõ điều đó qua các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường-người đã gắn bó với Tây Nguyên sâu đậm và đã tạo ra chất “rock Tây Nguyên” rất riêng và cháy bỏng. Sau bao nhiêu năm ôm ấp và dự định, từ tháng 6-2016 đến nay, nhạc sĩ  thành danh này đã cùng với nữ nhạc sĩ trẻ Giáng Son thực hiện album “Gió bay về ngàn” đậm chất Tây Nguyên để tri ân con người và vùng đất đã cho mình rất nhiều cảm xúc ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự:  Ở đó - “Gió bay về ngàn” đã dung hòa được giữa cũ và mới - truyền thống và hiện đại, giúp người thưởng thức cảm nhận, hình dung ra bức tranh toàn cảnh về Tây Nguyên bằng âm nhạc một cách đầy đủ và sâu sắc nhất. Đặc biệt là sự  kết hợp giữa hai thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ đã làm cho album này trở nên thú vị hơn. Siu Black song ca với Mai Trang trong “Nghiêng nghiêng rừng chiều”; Y Zắk hòa cùng Y Gari với “Giấc mơ Chapi”…, rồi 4 ca sĩ bè chung “Mưa cao nguyên” thật ăn ý và tình tứ. Từ đó, nói như nhạc sĩ Giáng Son: Nhìn tổng thể đĩa nhạc hệt như một đêm trình diễn thực sự, người nghe ngồi trước dàn máy HiEnd mà có cảm giác như ngồi giữa cao nguyên, bên bếp lửa và sóng sánh men rượu cần ngây ngất để được thấy những người con Tây Nguyên hát như rút hết ruột gan của mình.

“Đĩa nhạc hệt như một đêm trình diễn thực sự, người nghe ngồi trước dàn máy Hi-End mà có cảm giác như ngồi giữa cao nguyên, bên bếp lửa và sóng sánh men rượu cần ngây ngất để được thấy những người con Tây Nguyên hát như rút hết ruột gan của mình” (Nhạc sĩ Giáng Son)

Bộ ba nhạc sĩ hòa âm đĩa nhạc “Gió bay về ngàn” (Thanh Phương,  Minh Đạo, Lưu Hà An) cho biết: Sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn chất lượng âm thanh Hi End dành tặng cho đồng bào Tây Nguyên, nên khâu đầu tư cho chất lượng âm thanh được đặc biệt chú trọng. Phần hòa âm, “bộ ba” này đã dành khá nhiều thời lượng cho các nhạc công solo theo lối trình diễn ngẫu hứng và đầy sáng tạo (unplugged). Đặc biệt các bài hát cũ và quen thuộc được làm mới theo phong cách âm nhạc Jazz dìu dặt, nhẹ nhàng khiến người nghe không nhàm chán- và hơn thế đã góp phần làm cho “Gió bay về ngàn” trở nên sâu lắng hơn với nhiều cung bậc tình cảm, suy tư đa chiều.         

Nhạc sĩ Giáng Son chân tình: Ngoài việc lựa chọn, biên tập rất kỹ càng các ca khúc trong đĩa nhạc khá thành công, thì tinh thần thể hiện, trình bày “Gió bay về ngàn” của hai thế hệ ca sĩ ở Tây Nguyên càng làm cho “bản sắc Tây Nguyên” thêm đậm đà. Có thể nói, sự tập hợp các giọng ca trong album này là “kho báu”. Ngoài 2 giọng ca thành danh của núi rừng Tây Nguyên là Siu Black và Y Zăk đã được khán giả hâm mộ, thì Mai Trang và Y Garia là hai giọng ca thế hệ mới được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội và sớm được công nhận tại các cuộc thi như “Sao mai điểm hẹn” cũng là sức hút đối với công chúng yêu âm nhạc, nhất là “nhạc Tây Nguyên” như Nguyễn Cường đã nói. Giọng ca duy nhất không thuộc về Tây Nguyên là Tùng Dương, anh xuất hiện trong đĩa nhạc như một sự kỳ vọng, gửi gắm của nhạc sĩ Nguyễn Cường dành cho vùng đất mình gắn bó và tất nhiên, chất “lửa” của giọng ca này không thua kém gì so với những tên tuổi từng sống và hát một cách mê say về quê hương của họ. Đây thực sự là một album không chỉ dành cho người yêu âm nhạc nói riêng, mà cho tất cả đồng bào Tây Nguyên nói chung, nó mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa thật sự.

Có lẽ vì thế mà Siu Black và Y Zắk giãi bày: Đã lâu lắm rồi họ không thu thanh, cả hai dần rút lui khỏi showbiz và trở về sinh sống trên quê hương mình. Và khi được mời thể hiện những ca khúc trong “Gió bay về ngàn”, họ đã rất tâm tư. Y Zắk bảo chưa bao giờ buồn đến vậy, hát ca khúc “K’Bing ơi” và “Voi không đuôi” mà lòng lắng xuống và không ngừng kiềm chế cảm xúc của mình cũng như đồng bào mình trước những thay đổi, mất mát diễn ra trong đời sống hàng ngày. Dĩ nhiên, ai nghe họ hát đều cảm thấy chạnh lòng… Xem ra âm nhạc với việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa bị mai một, biến dạng trên vùng đất Tây Nguyên này cũng cần có nhau lắm!     

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.