Chuyện làng ngày ấy
Vậy là lũ trẻ làng Yên Phó ngày ấy đã theo năm tháng lớn lên và trưởng thành. Nhưng, có một điều không thể nguôi quên trong lòng họ là miền đất chôn nhau cắt rốn với bao ký ức êm đềm - làng Yên Phó ngày ấy như một điểm nhớ trong tâm tưởng, để rồi qua bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời vẫn mãi không bao giờ nguôi quên được.
Làng Yên Phó ngày ấy thật đẹp, đẹp như bao làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ; có dòng sông Vạc chảy như mơ giữa đôi bờ lúa. Cây đa “Ông Tích” bên bờ sông đã vài trăm năm tuổi, buông rễ chằng chịt. Bóng mát của đa là nơi lũ trẻ chơi đủ các trò: nhảy dây, chơi ô ăn quan, trò đánh trận giả với tiếng súng hóp đì đọp; tiếng cãi vã nhau về thắng thua… náo nhiệt một khúc sông. Dưới sông, những đoàn thuyền buồm trắng buồm nâu xuôi dòng triều lên, nghe rõ cả tiếng sóng vỗ ì oặp hai mạn gỗ; tiếng những anh lái thơ thới hò điệu hò sông nước. Buổi chiều, trên bờ đê, trâu lững thững về chuồng; đàn nhạn chấp chới trời cao rồi lại sà xuống mặt đồng lúa xanh rờn, đuổi theo những con chuồn chuồn mải chơi quên trời đã muộn. Trong làng, nhiều ánh lửa bập bùng trong bếp. Bóng tối theo gió trườn từ mặt đất lên, sẫm dần. Các con ngõ vang lên tiếng chổi tre lạt sạt trên mặt đất; tiếng dội nước bên giếng khơi, và tiếng chó sủa ủng oẳng như gần như xa …
… Nhưng rồi chiến tranh đã len vào miền quê nhỏ bé.
Một buổi trưa năm 1968, cả làng đang nghỉ ngơi sau buổi sáng hè oi bức làm quần quật ngoài đồng, thì một bầy bốn chiếc F.4 lao tới, nhanh và đột ngột đến mức như từ ngọn núi bay ra. Sau những tiếng rít chói tai là bốn tiếng nổ đinh tai nhức óc ở phía sông Vạc. “Máy bay bắn xuống bè nứa trên sông rồi, bà con ơi”- tiếng ai đó kêu to. Nhìn chiếc bè vỡ tan, hàng nghìn cây nứa trôi nổi lập lềnh trên mặt nước; người chết, máu loang đỏ mặt sông… người dân làng bỗng thấy hãi hùng. Hãi hùng và căm thù trộn lẫn trong huyết quản mỗi người. Tôi cũng có mặt trên sông buổi chiều hôm ấy. Trong tâm trí của cậu học trò mười bốn tuổi, tôi lờ mờ nhận ra rằng: Làng Yên Phó của chúng tôi không còn bình yên, làng đã thật sự nhập vào cuộc chiến của toàn dân tộc.
* *
Vòng xoáy của cuộc chiến tranh thực sự xoáy lốc vào làng khi trong rặng tre, dưới cánh đồng thiếu vắng dần bóng trai làng. Hầu như toàn bộ trai làng đã vào nơi chiến trường. Làng chỉ còn lại những người không đủ điều kiện để đi khám sức khỏe nhập ngũ. Anh Quân, hai mươi hai tuổi nhưng chỉ cao một mét tư, nặng ba mươi tám ki lô gam; anh Khiêm bị teo một bên cánh tay, chân lại đi cà nhắc. Đẹp trai có thầy giáo Tiệm, ba bảy tuổi, đã quá tuổi nhập ngũ. Thầy đang dạy cấp một trong làng. Anh Thiện, hai mươi hai tuổi, làm kế toán hợp tác xã, vì gia đình đã có hai anh trai nhập ngũ nên được miễn… Họ trở thành “của hiếm” ở làng, là trụ đỡ trong mọi việc; để làng đỡ hiu hắt; để chứng tỏ rằng làng vẫn còn đàn ông trai tráng.
Nhưng rồi, có chuyện xảy ra liên quan đến những người đàn ông hiếm hoi còn ở lại làng ấy. Đầu tiên là vụ thầy Tiệm phải lòng chị Bình. Chị Bình đẹp, lại hát hay, múa giỏi. Chị làm vợ mới được ba ngày thì anh Hợi, chồng chị vào Nam. Anh Hợi đi biền biệt, chẳng có thư về. Chị Bình nhớ chồng, ngày làm lụng, tối về ghi nhật ký vào cuốn sổ học trò. Rồi chị làm thơ nữa. Thơ làm xong, chị đưa thầy giáo Tiệm đọc, nhờ góp ý. Đưa, nhưng chị phải đưa lén, sợ xóm làng dị nghị. Được đến bài thứ năm thì thầy Tiệm quay ra thương trộm nhớ thầm chị Bình. Thầy có chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp, có thể nói là sang nhất làng. Cứ chiều về, nắng vàng rải lụa trên đường thôn, tan trường về, qua ngõ nhà bố chồng chị Bình, thầy Tiệm lại bấm những hồi chuông kính coong… kính coong… thật giòn, thật vui. Chẳng biết chị Bình có nghe thấy không, nhưng tiếng chuông xe đạp thì thật thao thiết. Nó như một nỗi lòng, một lời chào của một người nhắn gọi một người. Rồi chị Bình có thai. Cả chị Bình và thầy Tiệm phải chịu tất cả nỗi cơ cực của luật làng; những đay nghiến, rủa xả của cả làng. Chị Bình phải nuốt nước mắt nạo bỏ cái thai, biệt xứ lên miền ngược. Thầy Tiệm vì đã có vợ và ba con nên cắn răng ở lại làng, chịu cái án kỷ luật buộc thôi việc. Bà vợ buộc thầy phải bán chiếc xe đạp, dắt trâu ra đồng học cày, học cấy. Thầy đi, lủi thủi cùng cái bóng, cúi đầu nhìn bàn chân mình. Chiếc cày như cây thánh giá trên vai thầy, trĩu nặng và oan nghiệt.
Rồi chuyện anh Tuân với chị Nga, anh Thành với chị Đan, anh Khiêm với chị Hoàn... Họ chưa dan díu gì với nhau, chỉ là chuyện gặp nhau tình cờ trên bờ đê, đánh mắt sang nhau, thả ra một câu ỡm ờ, bóng gió; hoặc chuyện cùng đi gánh rạ trưa trên cánh đồng vắng, nhìn bắp vế con gái xa chồng trắng nuột, đưa chân khều một cái, có người ở bên kia đồng nhìn thấy, vậy là thành chuyện, thành lời ong tiếng ve nhỏ to quanh họ. Khổ nhất là các cô dâu làng. Ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, họ phải trằn mình lên để cố giữ phẩm tiết cho mình, giữ phẩm tiết cho làng.
Người ra trận cứ thay nhau ngã xuống, nhẹ như những tờ giấy báo tử gửi về làng. Rồi đến lớp trai tráng chúng tôi tiếp bước đàn anh lên đường. Cùng đi đợt ấy làng Yên Phó có năm người: Tôi và Hùng ở xóm dưới, Tĩnh, Hội, Điền ở xóm trên. Tĩnh và Hùng cưới vợ trước khi đi. Làng lại thêm những cô dâu đẹp người đẹp nết mặc áo gấm chờ chồng. Các anh đi vào những năm cuối của cuộc chiến tranh nên trở về trọn vẹn.
Riêng các cô dâu của làng thuở xưa thường ngồi bên bờ ao hát bài “Tình trong lá thiếp” nay đã thành bà. Họ bế cháu, nằm võng ru cháu ngủ bằng bài hát ngày xưa:“Cầm lá thiếp này lòng nhớ tới anh, ngày mai anh về anh cùng em hát điệu Lý tang tình, cùng nhau ta hò thêm thắm tình ta…”.
Ru cháu, hay ru mình, chẳng biết; chỉ thấy mắt họ cứ đỏ hoe...
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc