Multimedia Đọc Báo in

Phẩm chất của quyền lực

09:44, 20/07/2012

Nói tới quyền lực thì mọi người sẽ hiểu ngay đó là khả năng áp đặt ý chí của người này hoặc nhóm người này cho người khác hoặc nhóm người khác nhằm đạt được mục đích của mình. Khả năng áp đặt ý chí được thể hiện ở khả năng có thể làm thay đổi quan điểm, thái độ hoặc hành vi của người khác. Nhưng để trở thành chủ thể quyền lực thì phải có nguồn lực đủ mạnh đối với đối tượng trong quan hệ quyền lực.

Có nhiều dạng nguồn lực làm nên quyền lực như: uy tín, lứa tuổi, giới tính, của cải, bạo lực, tri thức... Tùy thuộc vào môi trường, hoàn cảnh hoặc thời điểm lịch sử cụ thể mà nguồn lực nào trở nên nổi trội. Ngày nay, người ta thường hay nhắc tới ba dạng nguồn lực cơ bản tạo nên quyền lực: bạo lực, của cải và tri thức; cũng chính từ đó đã làm nên ba dạng phẩm chất quyền lực từ thấp đến cao.

Quyền lực đạt được dựa vào bạo lực được xem là có phẩm chất thấp nhất. Thực tế, bạo lực có thể khiến cho người ta thay đổi thái độ và hành vi theo ý chí của chủ thể quyền lực ngay lập tức nên bạo lực được dùng khá phổ biến. Hơn nữa, bạo lực ẩn chứa trong luật pháp còn có thể bảo vệ các cá nhân khỏi sự uy hiếp nên trong nhiều trường hợp được xem là cần thiết. Tuy vậy, sức mạnh của bạo lực là hữu hạn và chỉ dùng để trừng phạt nên thiếu tính bền vững; mặt khác nếu bị lạm dụng thì bạo lực thường nảy sinh ra thứ bạo lực lớn hơn.

Quyền lực đạt được dựa vào của cải được xem là mang phẩm chất trung bình. Nhắc tới nguồn lực của cải, nhiều người thường hay nghĩ tới các hiện tượng tiêu cực như chạy chức, chạy án, chạy dự án...(nhờ của cải mà làm thay đổi được quan điểm, hành vi của người khác). Tuy nhiên, dựa vào của cải cũng có thể làm thay đổi quan điểm, thái độ của người khác theo chiều hướng tích cực như: khen thưởng, tăng lương, kích thích bằng các lợi ích vật chất khác... có thể khiến người lao động tích cực lao động hơn, yêu quý công việc của mình hơn. Dù sao thì đây cũng chưa phải là sự lựa chọn tốt nhất để đạt được quyền lực.

Quyền lực có phẩm chất cao nhất là quyền lực dựa vào tri thức. Nếu như bạo lực, của cải là những dạng nguồn lực hữu hạn và chỉ có một số ít người trong xã hội mới có được thì tri thức là vô hạn và dành cho mọi cá nhân trong xã hội. Ai cũng có thể có cơ hội chiếm lĩnh tri thức để có thể làm thay đổi quan điểm và hành vi của người khác. Hơn nữa, sử dụng tri thức đạt tới quyền lực không có sự phản tác dụng và khiến cho khách thể quyền lực tự nguyện thay đổi quan điểm, hành vi của mình. Sự phục tùng này diễn ra một cách thoải mái, trong tâm thế “ tâm phục, khẩu phục”.

Ba phẩm chất của quyền lực nêu trên đã được giới khoa học chỉ ra và cũng được thừa nhận rộng rãi trong cuộc sống. Các chủ thể nắm quyền lực muốn tránh cho quyền lực khỏi bị tha hóa, tránh sa vào vết xe của sự lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền (những nhân tố thách thức sự duy trì quyền lực) thì củng cố quyền lực dựa vào nguồn lực tri thức chắc chắn vẫn là cách lựa chọn tốt nhất.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc