Multimedia Đọc Báo in

Tính người và tình người

12:58, 25/08/2013

Những ngày này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều chuyện làm buồn lòng người dân của những người “thầy thuốc” liên tiếp được đưa ra. Trong xã hội ta, hai nghề được coi là cao quý và những người hành nghề đều được trân trọng gọi bằng “thầy” là thầy thuốc và thầy giáo thì lại đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đành rằng những người xấu không phải là số đông nhưng dù sao thì “con sâu làm rầu nồi canh” và chính họ đã xúc phạm đến những người làm nghề chân chính.

Với niềm tin tưởng vào các giá trị cội nguồn, tôi lật lại những trang sách trong cuốn “Giá trị học” (Nhà xuất bản Dân trí, 2012) của GS-TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như tìm đến một sự chia sẻ.  Ông cho biết, theo các nhà nhân học thì loài người có hai giá trị cội nguồn là “tính người” và “tình người”. Khoảng 500-600 năm trước Công nguyên, tính người, tình người được khái quát thành 3 giá trị lý tưởng (3 phẩm hạnh chung của loài người) là: Chân – Thiện - Mỹ.

Lịch sử loài người đã đi qua một chặng đường rất dài và theo cùng sự phát triển, tính người, tình người cũng không ngừng được bồi đắp. Đến ngày nay, vẫn có thể khẳng định rằng, Chân – Thiện - Mỹ đã và vẫn trở thành những giá trị phổ quát nhất của loài người.

Đối với ngành Y, có thể nói rằng những người thi đỗ vào các trường này đều là những người giỏi giang, điều này được thể hiện ở điểm thi đầu vào luôn cao chót vót. Trong trường, cùng với việc học chuyên môn họ được bồi dưỡng về y đức, với lời thề Hippocrates lúc ra trường. Ở đó, mọi điều  đều toát lên tinh thần nhân văn, nhân ái, thấm đẫm tính người và tình người. Vậy mà tại sao khi ra trường, một số không ít trong họ (mà không chỉ ngành Y) lại đang dần xa rời giá trị cội nguồn? Không thể nói rằng, những người đó không biết các giá trị Chân – Thiện - Mỹ. Tại sao “giả” lại lấn át “chân”, “ác” tranh phần “thiện” và “xấu” làm lu mờ “mỹ”? Đây chính là sự giằng xé khốc liệt không chỉ ở mỗi cá nhân mà còn là mỗi cộng đồng, mỗi xã hội trên những chặng đường phát triển.

Cũng theo GS Phạm Minh Hạc,  lịch sử loài người được tính bắt đầu từ mốc người khôn, hay còn gọi là người có lý trí (Hono Sapiens) đã xuất hiện cách đây khoảng 10 vạn năm về trước. Không lẽ với một thời gian dài như thế, con người vẫn chưa thể đoạn tuyệt được với quá khứ hoang dã của mình để đến nay lại có “một bộ phận người” muốn tách khỏi cộng đồng trở về với thời kỳ dã man.

 Không phải ai khác, chính con người đã làm hư hỏng con người. Phải tạo lập một môi trường lành mạnh để những giá trị cội nguồn được duy trì và phát triển. Có như vậy mới hướng tới được một mục tiêu cao cả là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.