Đọc sách để thay đổi cuộc đời?
Ở cấp độ xã hội, khi bàn về sách, nhiều quan điểm đồng ý rằng, thói quen đọc sách của người dân là một trong những chỉ báo có tương quan rất mạnh tới các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Ở cấp độ cá nhân, nếu một người đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói, thiếu kiến thức, thiếu người chỉ dẫn, nếu họ mong muốn cuộc sống của mình và gia đình được cải thiện thì dường như không còn cách nào tốt hơn là phải tự học, tự tiến bộ. Khi đó, sách có thể là người thầy tốt và rất đa dạng.
Những năm gần đây, thông điệp “đọc sách để thay đổi cuộc đời” trở nên phổ biến cùng với việc nhiều cuốn sách thuộc loại “self-help” (tự giúp bản thân) được cho là sách bán chạy trên thị trường với những lời khuyên, hứa hẹn giải pháp cho câu hỏi mà người đọc đang cần trả lời như: làm thế nào để có thành công, giàu có? cần làm gì khi tuyệt vọng, chán nản? làm sao để trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt người khác?...
Các em học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng trong Ngày hội đọc sách. Ảnh: Như Quỳnh |
Sau khi gấp sách lại, nếu người đọc có sự chuyển hóa cảm xúc, miên man trong suy nghĩ, có thêm lựa chọn hoặc quyết định thay đổi trong hành động thì sách đã làm được điều là góp phần thay đổi cuộc đời. Nhấn mạnh “góp phần” là bởi thành công không thể đến chỉ dựa vào việc cá nhân đã có những thay đổi trong quan niệm, hành động nhờ vào việc đọc sách mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà cá nhân rất khó kiểm soát như là nguồn gốc xuất thân, giới tính hay những điều kiện xã hội liên quan cơ hội tiếp cận giáo dục và y tế.
Từ trải nghiệm bản thân để đề xuất với người khác một danh sách các cuốn sách cần đọc là điều đáng khuyến khích. Nhưng người ta thường đọc một quyển sách không chỉ bởi để đạt được lợi ích như những lời khuyên bảo mà chủ yếu bởi họ thấy chính mình đâu đó trong từng trang sách. Một cuốn sách được người người ca tụng cũng có thể trở nên không có giá trị đối với một cá nhân không có hứng thú đọc. Chỉ có bản thân chúng ta mới biết nguồn sinh lực nào là cần cho mình.
Hiển nhiên rằng, nguồn tri thức từ sách là không giới hạn cho mỗi cá nhân. Nhưng do sự khác biệt về góc nhìn của tác giả và người đọc, sự khác biệt về điều kiện không gian và thời gian khiến cho không phải những gì viết trong sách cũng đúng. Đọc sách mà bị phụ thuộc vào sách thì không nên chút nào. Bởi thế, dù đồng ý rằng gây dựng thói quen đọc sách là điều vô cùng quan trọng đối với quá trình trưởng thành của một cá nhân và sự bền vững của cộng đồng nhưng thực sự thì liệu sách có thể làm thay đổi cuộc đời mỗi người hay không lại là một vấn đề khác. Có lẽ, nếu muốn thay đổi cuộc đời thì thực sự không thể trông chờ quá nhiều vào sách. Hơn nữa đôi khi chúng ta đọc sách không chỉ để được học hỏi mà là để có được sự đồng cảm, sự thấu hiểu. Để đạt được điều đó, sách nên được xem như “món ăn” tinh thần để ngấm, để thưởng thức chứ không phải là “thuốc kê đơn chữa bệnh”.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc