Multimedia Đọc Báo in

Nợ xấu ngân hàng chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng

15:23, 22/08/2012

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc NHNN cho biết: nợ xấu có xu hướng tăng lên trong vài năm trở lại đây và tính đến 31-3-2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 202,099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Thống đốc khẳng định đây là con số có căn cứ khoa học và xác thực nhất  về nợ xấu, và do NHNN công bố.  
Với tỷ lệ trên, nợ xấu rất đáng báo động nhưng không đến mức độ quá “hốt hoảng”, bởi hiện nay các TCTD đã và đang thực hiện đầy đủ quy định về trích lập dự phòng rủi ro, quy định về thế chấp, xử lý tài sản. Theo số liệu mới nhất, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 70 nghìn tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm bằng 130% giá trị khoản vay, do đó hoàn toàn có điều kiện xử lý với mức chi phí thấp nhất.
Có 5 nguyên nhân gây ra nợ xấu, bao gồm: Về kinh tế vĩ mô, trong thời gian dài, nền kinh tế vẫn chú trọng phát triển theo chiều rộng, tín dụng tăng trưởng quá nóng, trung bình hơn 29% trong 10 năm qua, có những năm trên 33% nên dễ phát sinh vấn đề nợ xấu. Về cơ chế chính sách của NHNN, nhiều năm qua ít được đổi mới, chưa theo kịp diễn biến của thị trường, không định hướng tốt sự phát triển hệ thống tín dụng. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, năng lực và số lượng cán bộ không đủ để tiến hành thanh tra thường xuyên các TCTD mà chỉ thực hiện theo định kỳ. Cùng với đó, trong một thời gian dài các chế tài xử lý của NHNN chưa phát huy được hiệu quả. Về trách nhiệm của các TCTD, thời gian trước phát triển theo chiều rộng nên đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt để chiếm thị phần, dẫn tới hiện tượng thẩm định các khoản vay, hiệu quả các  dự  án sơ sài, vi phạm các quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng. Trong khi đó, khả năng sử dụng và hấp thụ vốn của khách hàng yếu, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả không cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa tốt, dễ bị ảnh hưởng xấu do tác động bất ổn từ bên ngoài  nên dẫn đến tồn đọng sản phẩm và không trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Về trách nhiệm của NHNN trong vấn đề nợ xấu, Thống đốc cho biết: hiện NHNN đã tiến hành xử lý nghiêm khắc, bắt buộc 9 TCTD trích lập dự phòng rủi ro một cách đầy đủ và các biện pháp khác như yêu cầu cổ đông phải tăng thêm vốn, đồng thời khoanh vùng các tổ chức này vào diện giám sát đặc biệt của NHNN. NHNN đang xây dựng, lấy ý kiến trình và dự kiến ban hành các văn bản quan trọng trong quản lý hoạt động tín dụng, dự kiến trong quý III-2012 sẽ ban hành đầy đủ, các văn bản sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2013 và các TCTD sẽ có thời gian định hướng lại việc phát triển tín dụng. Cùng với đó, NHNN cũng đã tiến hành sắp xếp lại cơ quan thanh tra giám sát, tăng cường hiệu lực thanh tra kiểm tra. Mặt khác, NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, tòa án các cấp xử lý nhanh các tài sản thế chấp, khuyến khích các tổ chức tín dụng mua bán lại nợ, đàm phán lại với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; từ đó, tăng cường năng lực tài chính doanh nghiệp và giúp giảm nợ xấu của hệ thống ngân hàng, phấn đấu giảm xuống ngưỡng an toàn của tỷ lệ nợ xấu là dưới 3% trong một vài năm tới.
Về việc thành lập công ty mua bán nợ, Thống đốc khẳng định: dưới góc độ chuyên môn là việc lập công ty xử lý nợ xấu là hoàn toàn khả thi, từ đó giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, Đề án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có đủ cơ sở về mặt pháp lý để báo cáo với Quốc hội.  

L.N (soạn lại)


Ý kiến bạn đọc