Sốt rét, bệnh có hạn định nhưng hay gây tái phát
Ký sinh trùng sốt rét sống ký sinh ở trong cơ thể người có hạn định, dù không được điều trị nhưng sau một thời gian các thể vô tính của ký sinh trùng ở trong hồng cầu sẽ bị chết. Tuy vậy, chúng có thể có những đợt tái phát để gây bệnh.
Trước đây, nghiên cứu của nhà khoa học Pavlovskii E.I. cho thấy có 96,7% bệnh nhân sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Palsmodium falciparum không được điều trị cũng tự nhiên hết ký sinh trùng sốt rét trong vòng 6 tháng. Các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học khác cũng ghi nhận ký sinh trùng Plasmodium falciparum không tồn tại trong cơ thể người quá 1 năm ở 90 - 98,2% bệnh nhân sốt rét nhưng lại có trường hợp tái phát sau từ 18 - 20 tháng. Như vậy, hạn định đời sống của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum có thể từ 6 - 20 tháng. Ngoài ra, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax có thể tồn tại trong cơ thể người từ 1,5 - 2 năm, đôi khi 3 năm hoặc hơn nữa; ký sinh trùng sốt rét Plasmodium ovale có thể tồn tại trong cơ thể người từ 2 - 3 năm, có trường hợp đến 4 năm; còn ký sinh trùng sốt rét Plasmodium malariae là chủng loại có đời sống dài nhất, có thể từ 4 - 5 năm, đặc biệt có trường hợp kéo dài đến 10 - 52 năm.
Như vậy, sốt rét là một bệnh có hạn định, nếu không bị tái nhiễm thì sau một thời gian dù không được điều trị, ký sinh trùng sốt rét sẽ bị chết và bệnh cũng tự khỏi. Tuy nhiên, sốt rét là bệnh thường hay tái phát với hiện tượng tái phát gần và tái phát xa. Sốt rét tái phát gần với cơn sốt tái phát xảy ra sau khi bệnh nhân được điều trị đã ổn định về lâm sàng và xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét ít nhất 3 lần đều âm tính, mỗi lần cách nhau một chu kỳ của cơn sốt. Trên thực tế, kỹ thuật lấy lam máu, nhuộm bằng giemsa và soi dưới kính hiển vi quang học chỉ phát hiện được ký sinh trùng sốt rét ở một ngưỡng nhất định.
Cả 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở người đều có thể gây tái phát gần nhưng thường gặp nhất là chủng loại Plasmodium falciparum. Nguyên nhân gây tái phát gần do việc điều trị không triệt để nên chưa diệt được hết các thể vô tính của ký sinh trùng trong hồng cầu như dùng thuốc không đủ liều, không đúng phác đồ; cơ thể bệnh nhân không dung nạp được thuốc... Ngoài ra cũng có thể do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc nên điều trị không đáp ứng hiệu quả.
Hiện tượng sốt rét tái phát xa với cơn sốt tái phát xảy ra sau 1 tháng kể từ khi bệnh nhân được điều trị ổn định về mặt lâm sàng. Cả 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét đều có khả năng gây ra những cơn tái phát xa nhưng thường gặp đối với các trường hợp nhiễm chủng loại Plasmodium vivax, Plasmodium ovale và Plasmodium malariae. Nguyên nhân gây tái phát xa do các chủng loại Plasmodium vivax, Plasmodium ovale có những thể ngủ của ký sinh trùng phát triển chậm ở tế bào gan (bradysporozoite).
Theo quan điểm của một số nhà khoa học, mặc dù chủng loại Plasmodium malariae không có những thể ngủ ở trong gan nhưng có một số lượng ít merozoite tồn tại trong hồng cầu. Những merozoite này cũng chịu tác động của thuốc trong quá trình điều trị nhưng chưa đến mức bị tiêu diệt. Vì vậy, ký sinh trùng vẫn tồn tại, phát triển và gây nên những cơn sốt rét tái phát xa.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc