Khi hàng Việt thiếu sự quảng bá
Đây không phải là sáng chế mới, mà là những cải tiến từ sản phẩm nhập ngoại, nhưng đã khắc phục được những nhược điểm của hàng ngoại như giá cao, thiếu độ bền, không phù hợp với đặc trưng canh tác, địa hình vùng đất Tây Nguyên mà giá thành chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên, hiện những sản phẩm này chỉ được bán ra thị trường với số lượng ít. Giải thích về điều này, cả 2 “nhà sáng chế” đều cho rằng bên cạnh việc thiếu kinh phí sản xuất thì nguyên nhân hàng đầu là do việc quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên hầu hết người tiêu dùng không biết. Bởi vì những sản phẩm đã bán được trước đây chủ yếu qua phương thức “truyền miệng” từ người mua trước hoặc tình cờ thấy công hiệu của những sản phẩm khi sử dụng. Do không đủ khả năng và điều kiện để có thể tự quảng bá sản phẩm của mình, anh Nguyễn Văn Hải đã ghi trong bản đăng ký gửi sáng kiến tham gia Hội thi: “Tôi gửi sáng kiến tham gia Hội thi với mong muốn sản phẩm của mình được nhiều người tiêu dùng biết đến”. Không chỉ những sản phẩm đạt giải trong Hội thi lần này mà còn nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ của nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung không được người tiêu dùng biết đến bởi thiếu sự quảng bá.
Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp, ngành bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi, tài sản, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để nhiều người biết. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, tạo niềm tin để người tiêu dùng thay đổi ý thức khi mua và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước và địa phương…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc