Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết hàng tồn kho, lo hơn vay lãi suất

09:04, 12/05/2013

Tình hình sản xuất kinh doanh nhìn chung vẫn ảm đạm, chi phí đầu vào cao, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho giảm không đáng kể… khiến doanh nghiệp (DN) khó khăn trong vay vốn NH.

Chi nhánh NHNN Dak Lak cho biết, trong suốt thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2013 đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, tiết giảm chi phí để giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay. Đặc biệt, Chi nhánh đã có văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung mở rộng tín dụng ngay từ đầu năm; từng bước xem xét hạ lãi suất cho vay, triển khai các gói lãi suất cho vay ưu đãi… Nhờ đó, lãi suất cho vay đã liên tục giảm trong những tháng gần đây, hiện cho vay sản xuất kinh doanh có mức lãi suất phổ biến từ 11%-13,5%/năm; cho vay các lĩnh vực ưu tiên khoảng 10%-11%/năm. Ngoài ra còn có một số NH đang triển khai các chương trình cho vay lãi suất thấp như: Chi nhánh NH ĐT&PT Dak Lak cho vay bằng đồng Việt Nam lãi suất 7,5%/năm; Chi nhánh NH Công thương Dak Lak cho vay bằng đồng Việt Nam lãi suất từ 10%-10,5%/năm, cho vay bằng USD lãi suất 4%/năm; Chi nhánh NH Xuất nhập khẩu cho vay bằng đồng Việt Nam lãi suất 9%/năm… Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn rất chậm, theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh, tính đến tháng 4-2013 chỉ tăng khoảng 0,4% so với đầu năm, trong khi tổng nguồn vốn huy động tăng đến 3,6%.
Tổ chức hội chợ - một trong những biện pháp hỗ trợ DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tổ chức hội chợ - một trong những biện pháp hỗ trợ DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, dù nguồn vốn khá dồi dào nhưng NH nói rằng không có khách hàng vay, trong khi DN lại luôn kêu ca khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân chính được cho là do nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “đình trệ”, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được. Lâm vào tình trạng này, các DN khó tiêu thụ được sản phẩm, thời gian thu hồi vốn chậm hơn so với dự kiến, dẫn tới tình trạng không trả nợ kịp thời cho các NH và nợ xấu của DN tăng nhanh, khiến NH không thể cho vay thêm. Ở một diễn biến khác, DN không bán được hàng thì cũng không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, chính tình trạng “đình trệ” sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, DN nói riêng suy giảm mạnh. Điều này cho thấy, vấn đề quan trọng nhất là cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng, làm tăng tổng cầu để khơi thông đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, giải quyết được tình trạng hàng tồn kho lớn của nhiều DN. Một khi sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, DN mới có thể mạnh dạn vay vốn đầu tư tiếp tục hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Đại diện nhiều DN cho biết, với mức lãi suất cho vay hiện tại dù chưa phải là thấp nhưng có thể xem là vừa sức chịu đựng của DN, vấn đề cần ưu tiên hơn cả là giải pháp hỗ trợ DN giải phóng hàng tồn kho càng nhanh càng tốt.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc