Trước mùa tuyển quân đợt 2-2014: Siết chặt quy trình xét duyệt chính trị công dân nhập ngũ
Theo thống kê của Ban Quân lực, trong 3 năm (từ 2012 đến 2014) toàn tỉnh có 9 trường hợp thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi nhập ngũ đã bị loại ngũ do không bảo đảm các tiêu chuẩn chính trị. Cụ thể, năm 2012 xảy ra 4 trường hợp, năm 2013 cũng 4 trường hợp và đợt 1-2014 là 1 trường hợp. Đơn cử như năm 2012, các đối tượng Lục Văn Linh (SN 1991), Long Văn Nam (SN 1993), Long Văn Tư (SN 1993) cùng trú tại xã Ea Wy, huyện Ea H’leo và Chu Văn Quyền (trú tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pak) dù đã có tiền án (4-15 tháng tù giam về tội đánh người gây thương tích), song địa phương vẫn đưa vào danh sách nhập ngũ. Và mới đây nhất là trường hợp của công dân Phạm Văn Sung (SN 1994, trú tại buôn Tung 2, xã Buôn Triết) đã từng bị Tòa án nhân dân huyện Lak tuyên phạt 18 tháng tù treo vì tội đánh người gây thương tích; đối tượng này cũng đã nhiều lần gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ song vẫn có tên trong danh sách thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đợt 1-2014 của huyện Lak. Việc liên tục để xảy ra các trường hợp công dân vi phạm pháp luật nhập ngũ không những khiến địa phương không hoàn thành chỉ tiêu giao quân của trên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tiếp nhận tân binh. Phân tích, mổ xẻ nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan Thường trực của Hội đồng nghĩa vụ Quân sự tỉnh) khẳng định nguyên nhân chính là do một số địa phương không thực hiện tốt công tác thâm nhập “3 gặp 4 biết”, thậm chí có địa phương không tổ chức thâm nhập mà chỉ hợp thức hóa hồ sơ cho công dân nhập ngũ để hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh đó, công tác xét duyệt chính trị ở 2 cấp, nhất là cấp xã được tiến hành sơ sài, hình thức, không tuân thủ theo đúng các quy định, quy trình. Mặt khác công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự và cơ quan công an các cấp trong thực hiện xét duyệt chính trị chưa được chặt chẽ. Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan khác: do nhận thức của một số Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã còn hạn chế, còn nặng tư tưởng “Đưa đối tượng cá biệt vào quân ngũ để cải tạo thành người tốt”. như giải trình của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Lak về trường hợp của Phạm Văn Sung; không ít thành viên trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình, có biểu hiện nể nang, né tránh khi xét duyệt chính trị, thậm chí nhiều địa phương còn có tư tưởng “khoán trắng” công tác tuyển quân cho cơ quan quân sự…
Nhằm chấn chỉnh lại tình trạng trên, kiên quyết không để “lọt” trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật vào phục vụ trong quân đội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thị xã, thành phố siết chặt quy trình xét duyệt, tuyển chọn công dân nhập ngũ, nhất là những tiêu chí về chính trị. Theo đó, trên cơ sở Thông tư liên tịch số 76/2006/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội, các địa phương khẩn trương tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho từng thành viên trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự nắm rõ nội dung của Thông tư; quá trình tiến hành rà soát hồ sơ, xét duyệt chính trị công dân phải tuân thủ đúng theo quy trình và bảo đảm chặt chẽ, khách quan. Các địa phương được giao chỉ tiêu tuyển quân đợt 2-2014 trước khi bàn giao hồ sơ công dân trúng tuyển cho các đơn vị quân đội phải hoàn chỉnh theo đúng biểu mẫu để thuận tiện cho quá trình thâm nhập trên hồ sơ được chính xác.
Song song đó, cơ quan quân sự và công an cấp huyện, xã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hồ sơ chính trị, nắm chắc quan hệ xã hội của gia đình và bản thân công dân để tiến hành xét duyệt chính trị. “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy, trước mùa tuyển quân đợt 2-2014 Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana đã quyết liệt chỉ đạo, phân công từng thành viên theo dõi địa bàn, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển chọn công dân nhập ngũ của các địa phương. Quá trình xét duyệt chính trị ở cấp huyện, tuy chỉ được giao chỉ tiêu tuyển chọn 140 công dân nhập ngũ, song chúng tôi đã dành thời gian 3 ngày để thâm nhập từng hồ sơ một cách kỹ lưỡng, thống nhất loại bỏ những hồ sơ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị trước khi khám tuyển sức khỏe” - Trung tá Mai Ngọc Khuê, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết.
Để phát huy hết vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự nếu để xảy ra sai phạm, tránh tình trạng đùn đẩy “quả bóng trách nhiệm”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chấn chỉnh công tác tuyển chọn thanh niên nhập ngũ trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh: nếu địa phương nào để xảy ra trường hợp lọt công dân vi phạm pháp luật nhập ngũ, làm ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng tuyển quân của tỉnh thì phải họp kiểm điểm, báo cáo giải trình nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan cũng như hình thức kỷ luật. Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác tuyển quân đợt 2-2014 trên địa bàn tỉnh không những đủ về số lượng mà còn bảo đảm về chất lượng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng chính quy, tinh nhuệ.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc