Đón Tết giữa ngàn khơi
Dịp Tết, những người lính Nhà giàn DK1 Vùng 2 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vẫn đứng gác trong sóng gào gió lạnh với nỗi nhớ đất liền canh cánh trong lòng. Với các anh, chắc tay súng, canh thức cho mùa xuân đất nước yên bình không chỉ là sứ mệnh mà còn là niềm tự hào lớn lao, là tình yêu từ trái tim dành cho Tổ quốc...
Tại “Đại bản doanh” Tiểu đoàn DK1 đóng quân ở phường 11, TP.Vũng Tàu những ngày cuối cùng của năm cũ, câu chuyện của những người lính nhà giàn không phải về thành tích hay những tấm huân huy chương hoặc công lao của họ, mà về cái Tết rất riêng của lính biển xa.
Trung tá Bùi Xuân Bổng quê gốc Hà Tây cũ, 30 tuổi quân thì có 25 năm đón xuân trên biển. Anh là thế hệ sĩ quan đầu tiên đi DK1 và được coi là kỳ cựu nhất tính đến thời điểm này. Anh Bổng chia sẻ: “Mặc dù nhiều năm đón Tết trên biển, nhưng mỗi khi mùa xuân đến, trong lòng vẫn thấy xôn xao. Do thời gian công tác ở nhà giàn dài ngày, nên chúng tôi đếm từng ngày chờ Tết đến. Cuối tháng 12 dương lịch là các nhà giàn đã rậm rịch điện về đất liền mua hàng quà Tết rồi. Những ngày cận Tết thường sóng to, gió lớn. Suốt 25 năm đón Tết trên biển, chưa năm nào tôi thấy hàng quà Tết đưa lên nhà giàn trọn vẹn. Thông thường, quà Tết được chuyển bằng dây kéo. Nhà giàn chỉ cách tàu chừng 50 mét nhưng không bắt được tay nhau, nhìn nhau mà ứa nước mắt. Chúng tôi cũng đã quen với những cái Tết như thế rồi”.
Cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/21 gói bánh chưng đón Tết sớm. |
Do các Nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa cách xa đất liền, nên việc đón Tết bao giờ cũng sớm hơn. Khoảng đầu tháng 12 âm lịch, các cơ quan dân chính đảng đến Tiểu đoàn DK1 tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ. Để đưa quà Tết đến tận tay các chiến sĩ Nhà giàn, công việc đầu tiên là đóng gói chống ướt cẩn thận. Tất cả thư từ, sách báo, tài liệu, măng, miến, gạo, trà… được đóng trong thùng các-tông, bọc bao nylon- loại bao bảo quản chống ướt chuyên dùng của nhà giàn do quân nhu cấp. Công việc này do tổ đóng quà Tết đảm nhiệm. Riêng thư từ sách báo do liên lạc của Tiểu đoàn đóng gói. Để bảo đảm “quà giao đúng chủ”, tổ đóng quà phải rất tỉ mỉ cẩn thận. Quà của nhà giàn nào thì được đánh dấu, ghi tên nhà giàn đó cẩn thận phía ngoài, chuyển xuống tàu và xếp riêng một khoang, để khi ra ngoài biển chuyển lên giàn, tránh bị nhầm lẫn. Mặc dù cẩn thận, tỉ mỉ, nhưng đã có lần, quà Tết, thư từ của nhà giàn này lại chuyển đến nhà giàn kia, hoặc một nhà giàn nhận báo “một bề”, tức là nguyên một số báo. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Tết Bính Thân này, ngoài tiêu chuẩn Tết theo quy định, quà, hàng của quân, dân chính đảng gửi tặng được đóng gói, phân loại, chuyển đến tận tay các chiến sĩ. Bất luận thời tiết, sóng to gió lớn, nhà giàn nào cũng nhận được quà Tết. 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm tư tưởng đón Tết trên biển”.
Sau khi nhận quà Tết, các nhà giàn tổ chức mổ heo, gói bánh chưng đón Tết sớm. Bí thư chi đoàn đảm nhiệm khâu bày trí bàn thờ Tổ quốc, chăng dây trang trí, chuẩn bị cành mai hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Người nào khéo tay thì làm bánh chưng, bánh răng bừa; người gói giò, người làm báo tường treo Tết. Mâm cơm cúng Tết cũng có gà luộc, đĩa giò, cặp bánh chưng, hương hoa. Đêm giao thừa, cán bộ chiến sĩ mặc quân phục chỉnh tề tập trung trước bàn thờ Tổ quốc. Chỉ huy trưởng nhà giàn thắp 3 nén hương đọc to dõng dạc: “Hôm nay là đêm 30 Tết, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh 10 liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 chúng tôi xin thề một lòng trung thành với Đảng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vui xuân mới không quên nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cho nhân dân cả nước đón Tết yên bình ”.
Sau ly rượu mừng xuân, mọi người quây quần bên nhau thưởng thức hương vị Tết, kể cho nhau nghe những câu chuyện lần đầu tiên đón Tết xa quê trong đời lính biển. Những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước cũng được các chiến sĩ trổ tài. Sớm mồng một Tết, Chỉ huy trưởng và Chính trị viên Nhà giàn đến từng phòng các chiến sĩ “xông nhà” chúc Tết, cầu chúc năm mới sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính trị viên “lì xì” mỗi người 10 nghìn đồng mới để lấy may theo phong tục Tết cổ truyền.
Năm nay, thêm một mùa xuân Thượng úy Võ Quang Thường đón Tết trên Nhà giàn DK1/10. Chàng sĩ quan lục quân quê Quảng Bình chia sẻ: “Mỗi năm xuân về Tết đến, nỗi nhớ đất liền canh cánh trong lòng. Nhưng để đất liền trọn vẹn niềm vui, tôi sẵn sàng hy sinh. Đứng giữa biển khi xuân về Tết đến, niềm kiêu hãnh của người lính như được nhân lên”. Hai tuổi quân cũng là hai năm liền chiến sĩ Nguyễn Văn Lượm đón xuân trên biển. Từ một cậu lính trẻ gốc thành phố, sau một năm rèn luyện giữa mênh mông sóng gió, Lượm đã trở thành người lính chững chạc: “Môi trường quân đội đã giúp tôi rèn luyện và trưởng thành. Bây giờ tôi đã biết chăm sóc bản thân và sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập sau khi rời quân ngũ. Tất cả đều nhờ những ngày tháng học tập, rèn luyện ở Nhà giàn DK1”. Cùng chung tâm trạng của người lính xa đất liền, Trung tá Lê Xuân Nam chia sẻ: “Tôi có vợ và hai con sống ở Vũng Tàu, bố mẹ sống ở Thanh Hóa. Đêm ba mươi Tết, nhớ đất liền lắm. Nhất là khi nghe tiếng con gái, tiếng vợ nói trong điện thoại nghẹn khóc, mà thương quá. Ngày Tết, ai chẳng muốn được ở bên cạnh vợ con, gia đình, người thân, nhưng vì nhiệm vụ nên chuyện gia đình, riêng tư gác lại. Càng ngày Tết, càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”.
Cùng với niềm vui của nhân dân cả nước vui xuân, đón Tết, trên những nhà giàn típ tắp tận ngàn khơi, những người lính “áo vằn cánh sóng” vẫn vững vàng tay súng, canh biển trời thềm lục địa. Niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết yên bình.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc