"Liều thuốc" mạnh góp phần bảo đảm công bằng trong thực hiện tuyển quân
Theo thống kê của Ban Quân lực (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), trong đợt tuyển quân năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 49 trường hợp trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, cụ thể là vi phạm quy định trong sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự và vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (theo Điều 5, Điều 6, Chương 2) Nghị định 120, ngày 9-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu). Đó là các huyện: Lắk (3 trường hợp), Buôn Đôn (3), Krông Pắc (4), Cư M’gar (7), Ea Kar (8), Krông Bông (10) và Ea Súp (14). Những trường hợp trên, căn cứ vào mức độ vi phạm đều đã bị Hội đồng nghĩa vụ quân sự các huyện xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 - 1.200.000 đồng, đồng thời tiếp tục đưa vào danh sách công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ của địa phương và phải chấp hành nghiêm lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Hội đồng nghĩa vụ quân sự. Riêng đối với những trường hợp cố tình tái diễn, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các địa phương sẽ từng bước củng cố hồ sơ, tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự. Trước đó, năm 2013, sau 2 năm liên tiếp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đối tượng Huỳnh Minh Vương (SN 1989 trú tại thôn Kim Châu, xã Dray Hbăng huyện Cư Kuin) đã bị đưa ra xét xử về hành vi này, với mức phạt tù 15 tháng. Có thể nói đó chính là bài học, là cái giá đắt đối với những đối tượng không chấp hành nghiêm lệnh gọi khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự cũng như lệnh gọi nhập ngũ.
Thủ trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn động viên tân binh trước lúc lên đường nhập ngũ năm 2016. |
Là cơ quan chuyên môn, trực tiếp theo dõi công tác xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, thượng úy Nguyễn Thanh Trạng, Trợ lý tuyển quân Ban Quân lực nhận xét: “Có thể nói thời gian qua các địa phương đã thực hiện khá tốt công tác này, qua đó góp phần bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây cũng được xem như là “liều thuốc” mạnh nhằm răn đe, phòng ngừa những trường hợp vi phạm, hoặc có ý định vi phạm dưới những hình thức, mức độ khác nhau”. Tuy nhiên qua theo dõi, Thượng úy Nguyễn Thanh Trạng nhìn nhận là thực tế có lúc, có nơi, một số địa phương chưa nghiên cứu, nắm chắc Luật Nghĩa vụ quân sự cũng như các hình thức xử lý theo Nghị định 120. Đơn cử như đối với hành vi phạm trong Điều 6, Chương 2 của Nghị định này (không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng) thì ngoài mức xử phạt hành chính còn áp dụng, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự. Song trên thực tế một số địa phương chỉ xử phạt hành chính, chứ không bổ sung biện pháp khắc phục, dẫn đến tâm lý người vi phạm chỉ cần nộp phạt là xong. Nếu thực hiện đúng Nghị định 120, với những trường hợp đã buộc bổ sung biện pháp khắc phục mà vẫn không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn đủ cơ sở tiến hành củng cố hồ sơ theo đúng trình tự và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành như trường hợp ở Cư Kuin.
Được biết để “liều thuốc” này thực sự phát huy tác dụng, hiệu quả hơn nữa, thời gian tới ngoài việc yêu cầu Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp trong thực hiện tuyển chọn công dân nhập ngũ cần tuân thủ theo đúng quy trình, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan cũng như hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến công tác này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương áp dụng nghiêm khắc, quyết liệt hình thức, biện pháp xử phạt hành chính cũng như xử lý hình sự theo Nghị định 120 và Bộ Luật hình sự, nhằm hạn chế tối đa những trường hợp trốn, tránh thi hành trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với quê hương, đất nước. “Có như vậy mới đảm bảo thực hiện công bằng trong tuyển quân khi Luật Nghĩa vụ quân sự đã quy định rõ ràng, cụ thể rằng mọi công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật”, Thượng tá Y Miên Ktul, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc