Sống chung với… đạn
Bảo quản vũ khí là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm, vất vả của người lính trong thời bình, chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Kho vũ khí, đạn (Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) không bao giờ cho phép mình sai sót, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.
Doanh trại của lính kho
Đại đội Kho vũ khí, đạn được giao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ sở hạ tầng kho tàng, vũ khí trang bị kỹ thuật của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; tổ chức bảo quản, niêm cất ngắn hạn và dài hạn vũ khí thiết bị, đạn theo đúng quy trình, quy định của cơ quan cấp trên; tiếp nhận, cấp phát vũ khí trang bị, đạn dược phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh.
Với công việc đặc trưng, doanh trại của Đại đội đóng trên một vùng đồi rộng lớn, cách xa khu dân cư; khu vực nhà kho được xây dựng kiên cố với tường rào cao; xung quanh bố trí dày đặc cột thu lôi chống sét, thiết bị phòng cháy chữa cháy...
Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nên công tác phòng cháy chữa cháy luôn được Đại đội đặt lên hàng đầu. Hôm chúng tôi đến thăm, đơn vị đang huấn luyện tình huống xảy ra cháy tại nhà kho bảo quản. Nghe kẻng báo động vang doanh trại, giữa cái nắng như thiêu đốt, các bộ phận lập tức vào vị trí phòng cháy chữa cháy, tổ chức dập tắt đám lửa, đồng thời tuần tra, canh gác, bảo đảm phòng gian, giữ bí mật… Tất cả mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng, chính xác, an toàn.
Thủ trưởng Phòng Kỹ thuật kiểm tra công tác bảo quản, bảo dưỡng kho súng. |
Ngoài luyện tập các phương án phòng cháy chữa cháy, đơn vị còn tổ chức phát quang cỏ dại xung quanh doanh trại. Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng thực tế không dễ. Do đứng chân ở vùng đồi, địa bàn quản lý rộng nên việc phát quang cỏ dại mất rất nhiều thời gian, nhất là vào mùa mưa, đó là chưa kể phải thường xuyên đối mặt với các loại rắn độc. Đã có lần rắn lục đuôi đỏ bò vào tận phòng, giường ngủ của bộ đội...
Đại úy Hồ Viết Lợi, Chính trị viên Đại đội chia sẻ: Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, thời gian qua, đơn vị đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm các chế độ trực, tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn kho tàng đơn vị; đặc biệt thường xuyên huấn luyện phương án phòng cháy chữa cháy, chiến đấu tại chỗ.
Tỉ mỉ đến từng chi tiết
Tại trạm sửa chữa và bảo dưỡng vũ khí, đạn, những người lính thợ thầm lặng làm việc theo nhiệm vụ đã phân công. Ở họ có khá nhiều điểm chung: ngoài trình độ bắt buộc, thâm niên làm việc, thì tất cả còn phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động. Chẳng hạn, với công việc bảo quản vũ khí hằng ngày, sau khi vũ khí vào trạm, lính thợ phải thực hiện nghiêm theo trình tự: kiểm tra an toàn; tháo sơ bộ; tẩy mỡ, lau chùi, kiểm tra phân cấp; tháo cụm; các chi tiết; lau chùi khử dầu mỡ; sửa chữa thay thế, bảo quản; bắn kiểm tra hiệu chỉnh…
Trung tá Trần Đình Thái, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
|
Đến thăm các nhà kho chứa đạn, súng giữa thời tiết nắng gắt mới hiểu thêm những vất vả thầm lặng của các anh. Hệ thống sổ sách đăng ký, quản lý thống kê… được thực hiện đúng quy định. Mọi vũ khí, đạn đều được phân loại, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bảo quản, bảo dưỡng kỹ lưỡng. Để bảo đảm an toàn, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao (trên 35oC), người quản lý phải xịt nước lên mái kho để hạ nhiệt trong phòng. Các anh lý giải, nếu để nhiệt độ cao sẽ gây mất an toàn cho đạn, còn súng sẽ dễ bị chảy dầu mỡ.
Có một điều khá đặc biệt nữa là ở các nhà kho chứa đạn không được đưa bất kỳ hệ thống điện nào vào nhằm đề phòng việc chập điện, cháy nổ. Chính vì vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đều phải quen với mọi điều kiện thời tiết, nhất là vào mùa khô, những ngày nắng nóng…
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”, nhiều năm qua, những người lính thợ nơi đây luôn cẩn trọng, tỉ mỉ trong thực hiện nhiệm vụ. Thượng úy Ngô Đức Dũng, Đại đội trưởng tâm tình: Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được rằng công việc của lính kho không cho phép rút kinh nghiệm, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc