Multimedia Đọc Báo in

Trên những cung đường biên giới

06:22, 20/04/2018

Sau hơn nửa năm thi công, dự án đường tuần tra biên giới đoạn đi qua hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, với chiều dài 117 km đã dần được định hình. Bước vào giai đoạn cao điểm cuối mùa khô của Tây Nguyên, các đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khí thế lao động rất tích cực, khẩn trương.

Suốt dọc tuyến biên giới từ Đắk Lắk sang Đắk Nông, đi đến đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp những đoàn xe tải đang ùn ùn chở đất đá, vật liệu xây dựng vào các công trường. Hàng chục chiếc máy ủi, máy xúc, xe lu đủ các chủng loại rầm rập thi công từ sáng sớm đến tận tối mịt.

Đường tuần tra biên giới thi công trên cơ sở nâng cấp nền đường cũ có sẵn và mở rộng sang hai bên, với bề rộng mặt đường là 3,5 m bằng bê tông xi măng, lề đường gia cố bằng cấp phối đá dăm. Ngay sau khi được giao làm chủ đầu tư của dự án, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã ra quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, tiến hành khảo sát, thiết kế, rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường, lập phương án giải phóng mặt bằng… một cách chặt chẽ. Thiếu tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tư lệnh Quân khu 5 chia sẻ: “Dự án đường tuần tra biên giới khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông là công trình trọng điểm, có giá trị lớn về chiến lược quốc phòng an ninh. Với hệ thống giao thông thông suốt, dự án sẽ tạo điều kiện cho các địa phương mở một số cửa khẩu tiểu ngạch với nước bạn để trao đổi, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia. Ban Quản lý dự án luôn theo dõi, giám sát, chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công tuyến đường bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định đã được phê duyệt; hạn chế thấp nhất việc làm ảnh hưởng đến hiện trạng các khu vực rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia Yok Đôn”.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra tiến độ thi công đường tuần tra biên giới.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra tiến độ thi công đường tuần tra biên giới.

  Tại khu vực vùng biên, những năm qua, dù hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng và nâng cấp, nhựa hóa các tuyến đường giao thông vào các đồn biên phòng, hệ thống đường chuyên dùng cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới, song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất biên cương đầy nắng gió, anh Nguyễn Thanh Nam (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) hiểu rất rõ về giá trị của con đường mới đối với bà con đồng bào nơi đây. Đã không ít lần anh chứng kiến cảnh xe công nông, xe càng của người dân bị sa lầy, bị lật trên con đường đất bé cỏn con, chi chít ổ voi ổ gà, quanh năm mưa lầy nắng bụi. Bao phân bón, cân hạt giống… từ trung tâm huyện về đến nhà giá thành đã đội gần gấp đôi, trong khi đó nông sản làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá hoặc kẻ xấu lấy trộm, vất vả bao năm mà cuộc sống của người dân vẫn chỉ đủ ăn. Biết tin dự án đường tuần tra biên giới đi qua vùng, anh Nam và bà con địa phương rất mừng, chủ động dọn dẹp, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Theo dự kiến, chỉ 2 năm nữa, đường tuần tra biên giới đoạn đi qua hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông sẽ chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, hứa hẹn mang đến những đổi thay mạnh mẽ cho cuộc sống đồng bào khu vực biên giới ở Tây Nguyên.

Trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) hiện có các Đồn Biên phòng 743 Ea H’leo, 749 Yok Đôn và 747 Bo Heng đứng chân, quản lý hơn 40 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Cả ba đồn đều cách xa khu dân cư, đi lại rất khó khăn, mùa khô nắng cháy da thịt, sông suối cạn kiệt; mùa mưa thường bị cô lập do nước ngập cao. Mỗi lần chuyển công văn, tài liệu, cơ động, tuần tra kiểm soát địa bàn hay tiếp tế lương thực, thực phẩm đều là thử thách không nhỏ của bộ đội nơi đây. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày ngày các cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn tổ chức các đợt tuần tra để bảo vệ đường biên, mốc giới, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi nạn vượt biên, buôn lậu, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ rừng. Đại úy Trần Tiến Vinh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Yok Đôn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi: “Với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng nằm dọc tuyến biên giới hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, đường tuần tra biên giới như người trợ thủ đắc lực giúp việc cơ động lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trở nên thuận tiện, hiệu quả, an toàn hơn. Con đường cũng góp phần cải thiện đáng kể đời sống mọi mặt của bà con, đồng thời giúp cán bộ, chiến sĩ biên phòng yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.

Các đại biểu trong lễ khởi công đường tuần tra biên giới.
Các đại biểu trong lễ khởi công đường tuần tra biên giới.

Huyện biên giới Ea Súp là vùng trũng nên hầu như mùa mưa năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Những năm qua, hàng chục gia đình từ Thanh Hóa, Bến Tre đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các xã Ia R’vê, Ia lốp (Ea Súp) đã phải bỏ làng ra đi vì mỗi mùa mưa lũ nước lại ngập hết nhà cửa, tài sản, hoa màu, vật nuôi... Đường tuần tra biên giới hoàn thành không chỉ giúp người dân giao thương, đi lại thuận tiện, mà quan trọng hơn, nó còn giúp họ sơ tán người và tài sản trước mùa mưa bão, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Quân đội nói chung, Quân khu 5 nói riêng đẩy nhanh tiến độ thi công đường tuần tra biên giới”. Lời nhắn nhủ của Thủ tướng đang được Bộ Tư lệnh Quân khu và các lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm.

An Khang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.