Multimedia Đọc Báo in

Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Na: Chú trọng dân vận trong công tác tuyển quân

08:29, 25/10/2018

Ea Na (huyện Krông Ana) là xã thuần nông với 12 thôn, buôn, trong đó có 4 thôn, buôn là người dân tộc thiếu số tại chỗ; tỷ lệ người dân theo đạo (Công giáo, Phật, Cao đài) chiếm trên 22% dân số.

Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập không cao nên ngày càng có nhiều thanh niên đi làm ăn xa, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển quân thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Xác định công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã đã tham mưu cho Hội đồng NVQS xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm đối với Tổ quốc; thông qua các cuộc họp dân, phát động quần chúng, Ban CHQS xã trích dẫn một số nội dung cơ bản của Luật NVQS gửi đến từng gia đình, bản thân từng thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS. Đối với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo, Ban CHQS xã cử cán bộ đến thăm hỏi, gặp gỡ và phối hợp với già làng, trưởng buôn, chức sắc, chức việc các tôn giáo phối hợp tuyên truyền, vận động...

Thanh niên trên địa bàn xã Ea Na tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2019.
Thanh niên trên địa bàn xã Ea Na tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2019.

Mùa tuyển quân năm 2018, thanh niên Nguyễn Đình Đạt (SN 1998, trú tại buôn Ea Na), đang đi làm tại TP. Hồ Chí Minh nên không về khám tuyển NVQS. Hội đồng NVQS xã đã cử người đến gia đình nắm tình hình, tuyên truyền vận động, sau đó Đạt đã về thực hiện việc khám bù cấp huyện và viết giấy cam kết: “Mùa tuyển quân năm 2019, nếu trúng tuyển em sẵn sàng gác lại mọi việc để lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ của một thanh niên đối với Tổ quốc”.

Tương tự, hai thanh niên Y Jô Sia Bkrông và Y Phước Niê (đều SN 1999 và cùng trú tại buôn Tơ Lơ), đang làm công nhân cho một công ty giày da tại TP. Hồ Chí Minh đã “kháng lệnh” gọi nhập ngũ, không trở về địa phương khám tuyển đúng thời gian. Trước tình hình đó, Ban CHQS xã cử cán bộ đến tận nhà, phối hợp với già làng, trưởng buôn và cùng với gia đình tuyên truyền, vận động các thanh niên sắp xếp công việc trở về tham gia khám tuyển theo quy định. Sau khi được Hội đồng NVQS xã giải thích cặn kẽ, cả hai thanh niên đã nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc và hứa sẵn sàng nhận lệnh lên đường khi trúng tuyển...

Cán bộ Ban CHQS xã Ea Na kiểm tra hồ sơ thanh niên nhập ngũ năm 2019.
Cán bộ Ban CHQS xã Ea Na kiểm tra hồ sơ thanh niên nhập ngũ năm 2019.
 

Từ 2014 đến nay, xã Ea Na có 124 thanh niên trúng tuyển NVQS, trong đó công dân là người có đạo chiếm trên 25% và người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 30%, tất cả đều chấp hành nghiêm lệnh gọi, không có trường hợp chống lệnh, đào ngũ, vi phạm pháp luật. Tỷ lệ thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương có việc làm chiếm 80%, 100% thanh niên ổn định cuộc sống, không có thanh niên vi phạm pháp luật sau khi xuất ngũ".

 
Ông Nguyễn Đức Hà, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ea Na

Mùa tuyển quân 2019, xã Ea Na được giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi 25 thanh niên lên đường nhập ngũ (gồm 19 chỉ tiêu chính thức và 6 chỉ tiêu dự phòng).

Đến thời điểm này, đa số thanh niên nhận lệnh gọi đã thực hiện xong việc khám sức khỏe, xét duyệt chính trị và sẵn sàng lên đường tòng quân. Ông Nguyễn Đức Hà, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ea Na cho biết, công tác tuyển quân ở địa bàn có đông người dân theo đạo và đồng bào dân tộc thiểu số là công việc nhạy cảm, dễ nảy sinh dư luận trái chiều. Chính vì vậy, hằng năm, trên cơ sở danh sách đăng ký công dân độ tuổi 17 và nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, Ban CHQS xã tham mưu Hội đồng NVQS cùng với cấp ủy chi bộ, Ban tự quản các thôn, buôn và Công an xã làm tốt công tác rà soát, phân rõ đối tượng được miễn hoặc tạm hoãn theo đúng quy định; tổ chức họp thôn, buôn và tiến hành công khai danh sách để nhân dân tham gia ý kiến, sau đó chốt danh sách và điều động khám tuyển theo quy định. Khi có kết quả, Ban CHQS xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức thăm hỏi động viên, gặp gỡ gia đình và thanh niên; tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống giữa thanh niên chuẩn bị nhập ngũ với cựu chiến binh và những thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương, từ đó giúp thanh niên hiễu rõ hơn về truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, về môi trường trong quân ngũ, chuẩn bị tốt tâm lý trước ngày lên đường tòng quân.

"Đối với những thanh niên sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương, UBND xã tổ chức lễ đón trang trọng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống. Đối với gia đình có thanh niên tại ngũ, Ban CHQS xã thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ công việc để giúp thanh niên yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ", ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ thêm.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.