Lính mới ở Trường Sa
Được ra Quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) công tác, góp sức mình cùng đồng đội bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, xen lẫn tự hào của bất kỳ người dân Việt Nam yêu nước nào, nhất là những người mới lần đầu được đặt chân lên đảo.
Trên chuyến hải trình công tác tại Quần đảo Trường Sa những ngày đầu năm 2019, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ vừa được biên chế về các đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.
Binh nhất Nguyễn Ngọc Tấn Tài (SN 1994, quê huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) là con út trong gia đình có hai chị em. Bố của Tài bị mất sức lao động do tai nạn giao thông, còn mẹ và chị gái hằng ngày phải làm lụng vất vả tại các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Trước hoàn cảnh đó nên sau khi tốt nghiệp THPT, Tài đã bỏ giấc mơ giảng đường đại học để kiếm sống và trở thành lao động chính trong gia đình. Mùa tuyển quân năm 2018, mặc dù không nằm trong diện nhập ngũ nhưng với trách nhiệm của tuổi trẻ với Tổ quốc, Tài đã viết đơn tình nguyện và trúng tuyển. Gần 1 năm được huấn luyện tại Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân), đến đầu năm 2019, Tài được tăng cường ra đảo Phan Vinh A thuộc Quần đảo Trường Sa. Không xem đây là gánh nặng, là khó khăn mà Tài cảm thấy rất vinh dự và tự hào cho bản thân và gia đình. Nói về công việc sắp tới, Tấn Tài cho biết sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi xuất ngũ sẽ đi học lái xe, trước mắt để cùng với mẹ, chị gái chăm sóc sức khỏe cho ba và tương lai để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình.
Cán bộ, chiến sĩ hải quân chào tạm biệt đất liền trước giờ tàu rời cảng. |
Tương tự, Hạ sĩ Nguyễn Văn Tịnh (19 tuổi, quê TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng lần đầu tiên được ra đảo làm nhiệm vụ. Tịnh là con đầu trong gia đình có 4 anh chị em, nhập ngũ năm 2018 và được huấn luyện ở đất liền gần 1 năm trước khi được điều động ra đảo Len Đao nhận nhiệm vụ làm nhân viên ra đa. Tịnh đã tốt nghiệp THPT, gia đình làm nghề biển, thường xuyên cùng bố đi đánh cá trên biển hằng tháng trời, vì thế em không ngại sóng gió. “Không phải người lính nào cũng được phục vụ ở Trường Sa nên khi nhận được tin tôi ra Trường Sa công tác, gia đình rất yên tâm và ủng hộ. Nếu có một lời nhắn với gia đình thì chỉ mong ba mẹ yên tâm, con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành trong môi trường quân ngũ ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc” - Tịnh chia sẻ.
Với Trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Trần Ngọc Linh thì đây là lần thứ 3 anh được ra Trường Sa công tác. Nhưng với anh, dù là lần đầu hay lần thứ mấy đi chăng nữa thì khi được ra Trường Sa công tác đều là niềm vinh dự và tự hào. Ngọc Linh sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Định, đã có 12 năm quân ngũ, từng hai lần vinh dự được cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Quần đảo Trường Sa. Trong đợt thay, thu quân lần này, Ngọc Linh tiếp tục được phân công đến nhận nhiệm vụ tại đảo Tiên Nữ - đảo xa nhất ở cực Đông trên biển Đông của Tổ quốc. Ngọc Linh hiện đã có vợ là giáo viên tiểu học và một bé trai 4 tuổi, sống cùng gia đình nội ở TP. Nam Định. So với hai lần ra đảo trước đây thì lần này Ngọc Linh có chút trăn trở hơn khi vợ sắp đến ngày sinh nở đứa con thứ hai. Chính vì vậy, để chấp hành nhiệm vụ được phân công, trước ngày lên đường ra đảo, Ngọc Linh đã phải thuyết phục vợ và gia đình hai bên; đồng thời gửi gắm vợ con cho ông bà nội, ngoại chăm lo trong thời gian công tác xa nhà. “Vợ vượt cạn mà không có chồng bên cạnh thì ít nhiều cũng có những âu lo, nhưng với trách nhiệm của người lính, tôi sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để nhận và quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ” - Ngọc Linh thể hiện quyết tâm.
Chiến sĩ hải quân và bạn bè cùng lưu lại những khoảnh khắc trước giờ tàu rời bến. |
Với các chiến sĩ mới, ngày đầu trên đảo mọi thứ đều lạ lẫm và thật khác xa với đất liền. Nhưng sau khi gặp gỡ cán bộ phụ trách, được phân công nhiệm vụ cụ thể là thích nghi nhanh với đơn vị và vào guồng ngay. Tuy tinh thần, tư tưởng vững vàng nhưng với các chiến sĩ mới lần đầu ra đảo có những tâm tình riêng tư nhất định. Hiểu được vấn đề này, nên theo quy định chung của Quân chủng Hải quân, ở mỗi đảo đều hình thành các Tổ tư vấn tâm lý quân nhân. Các tổ này do Chính trị viên trên đảo phụ trách, thành viên là những sĩ quan có kinh nghiệm trong công tác dân vận. Các chiến sĩ mới khi đặt chân đến đảo sẽ được hướng dẫn cụ thể về nền nếp sinh hoạt và giao nhiệm vụ, biên chế về các tổ, đội; ngay tối đầu tiên sẽ được sinh hoạt với Tổ tư vấn tâm lý để làm quen và giải tỏa những bỡ ngỡ ban đầu. Tổ tư vấn tâm lý còn là nơi để chiến sĩ có thể giãi bày tâm sự...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc