Multimedia Đọc Báo in

Những "Tay kéo biên phòng"...

09:59, 27/05/2019

Từ cuối năm 2018 đến nay, cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Ea H’leo thường xuyên tổ chức các buổi cắt tóc miễn phí cho người dân và học sinh trên địa bàn đơn vị đóng quân (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp), qua đó góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ trong lòng người dân vùng biên...

Em Võ Thanh Phong (lớp 7B, Trường THCS Trần Hưng Đạo) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường xuyên phải lên rẫy nên không chú ý đến việc cắt tóc cho con. Hôm nay, nghe nhà trường thông báo có các chú bộ đội đến tận nơi để cắt tóc và đúng vào dịp được nghỉ học nên em xin phép bố mẹ rồi cùng bạn đạp xe đến địa điểm cắt tóc và đợi đến lượt mình. "Các chú bộ đội rất khéo tay lại vui tính, không chỉ cắt cho em có mái tóc đẹp mà còn quan tâm đến chuyện học hành nên em rất vui. Khi về nhà em sẽ khoe với bố mẹ về "mái tóc bộ đội" và lên lớp khoe với bạn bè, thầy cô” - Thanh Phong hồ hởi khoe mái tóc đẹp vừa được cắt xong.

Thiếu tá Vũ Văn Tín tỉ mẩn cắt tóc cho học sinh.
Thiếu tá Vũ Văn Tín tỉ mẩn cắt tóc cho học sinh.
 
“Đều đặn vào ngày nghỉ hằng tuần, các "tay kéo" sẽ xuống các trường học, thôn, buôn trên địa bàn để cắt tóc cho tất cả đối tượng có nhu cầu. Thậm chí, có nhiều hôm vào buổi chiều tối khi người dân có nhu cầu, các “tay kéo” cũng sẵn sàng đến tận nơi phục vụ".
 
Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea H’leo

Được chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ biên phòng cắt tóc miễn phí cho bà con và các cháu học sinh trên địa bàn, chúng tôi thêm hiểu về tình cảm của những người lính quân hàm xanh dành cho đồng bào biên giới. Bất kể ngày nắng hay mưa, những người lính biên phòng đều xuống cơ sở với bộ đồ nghề đơn sơ để giúp người dân có một mái tóc đẹp, giúp họ tự tin, yêu đời hơn. Dù không phải là những thợ cắt tóc chuyên nghiệp nhưng những "tay kéo" vẫn tỉ mẩn trong từng công đoạn; vừa cắt, bấm, tỉa, vừa hỏi han tình hình học hành, ăn ở của học sinh để tạo bầu không khí cởi mở, gần gũi. Các “tay kéo” cũng luôn tuân thủ theo tiêu chí “khách hành là thượng đế” nên rất vui vẻ chiều lòng khách hàng bằng cách cắt theo mẫu tóc được yêu cầu.

Thiếu tá Vũ Văn Tín - thành viên đội cắt tóc miễn phí là người có năng khiếu nên thường xuyên được đồng đội nhờ cắt tóc. Từ khi về đây công tác (chuyển từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê về cách đây 2 năm), anh được chọn vào Đội vận động quần chúng và đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ cắt tóc. Với vai trò này, hầu như mọi việc từ mua sắm dụng cụ, địa điểm cắt tóc hằng tuần và hướng dẫn anh em trong đơn vị cắt tóc đều được anh lên lịch chi tiết, chu đáo. Thiếu tá Tín cho biết: “Để triển khai thực hiện mô hình “Tay kéo biên phòng”, đơn vị trích từ nguồn tăng gia sản xuất và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ để mua “đồ nghề” như: tông đơ, kéo, lược; đồng thời lựa chọn những người có năng khiếu và tay nghề tốt thành lập tổ cắt tóc miễn phí. Tính đến nay, đơn vị đã tổ chức cắt tóc cho hàng trăm lượt học sinh, người dân vùng biên giới. Không riêng gì cá nhân tôi mà tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều cảm thấy rất vui khi được góp chút công sức nhỏ bé của mình để mang đến niềm vui cho các em học sinh và người dân nghèo nơi biên giới".

Các
Các "tay kéo biên phòng" tỉ mẩn cắt tóc cho các em học sinh.

Theo Chủ tịch UBND xã Ya Lốp Hà Văn Thanh, phần lớn người dân ở đây đều là dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp, cuộc sống rất khó khăn. Nhiều người dân hoặc các em học sinh nam do điều kiện đi lại hoặc kinh tế khó khăn nên thường để tóc dài, vừa thiếu thẩm mỹ lại vừa không bảo đảm vệ sinh cá nhân. Việc cắt tóc định kỳ cho các em học sinh và người dân là rất cần thiết, giúp họ thoải mái, tự tin hơn rất nhiều. Đây cũng là việc làm tạo hình ảnh đẹp về người lính mang quân hàm xanh, giúp tình quân - dân càng thêm gắn bó.     

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.