Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

08:34, 06/04/2020

Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 73 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), địa bàn biên giới gồm 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp.

Để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, không để bệnh lây lan từ các quốc gia khác vào Việt Nam, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ưu tiên hàng đầu với phương châm “Chống dịch như chống giặc”.

Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, phòng chống dịch Covid-19 của Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Ban Chỉ đạo đã xác định tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát trên biên giới, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan qua biên giới, vào đơn vị; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, địa bàn biên giới; nắm tình hình công tác phòng, chống dịch của phía đối diện Campuchia và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch theo mệnh lệnh của cấp trên.

Để thực hiện những nhiệm vụ này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai, thực hiện quyết liệt từ khâu quán triệt đến thực hiện, cụ thể như: chỉ đạo các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung quán triệt những văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên; cập nhật tình hình thế giới, trong nước để mọi quân nhân thấy được sự nguy hiểm, phức tạp của dịch bệnh, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến người thân, gia đình, cộng đồng hiểu rõ và cùng chung tay thực hiện.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.

Ngay từ giai đoạn đầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 trong Bộ đội Biên phòng tỉnh, bao gồm lãnh đạo các phòng, đồn trưởng các đồn biên phòng.

Tại các đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đều thành lập các tổ phòng, chống dịch Covid-19 do đồn trưởng, tiểu đoàn trưởng làm tổ trưởng. Hiện tại, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường 12 tổ, chốt tuần tra cơ động trên biên giới và thành lập 4 chốt cố định để kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, với quan điểm “Không để người dân nào lọt qua biên giới mà không được kiểm soát”. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, các tổ dân quân, cũng như Đoàn Kinh tế Quốc phòng tổ chức kiểm soát, tuần tra bảo vệ biên giới; tăng cường phát huy các đài quan sát trên biên giới để quan sát từ xa, phát hiện, ngăn chặn, không để người vượt biên qua biên giới. Đồng thời, đề nghị lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia siết chặt kiểm soát biên giới, nắm bắt tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch của nước bạn để tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh đến kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới.
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh đến kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới.

Ngoài ra, để dịch bệnh không lây lan trong lực lượng, các đơn vị đã triển khai vọng gác ở phía ngoài đơn vị để kiểm soát người ra vào, triển khai phun thuốc khử khuẩn; tiến hành vệ sinh doanh trại sạch sẽ; quán triệt đến mọi chiến sĩ tinh thần tự bảo vệ, rèn luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng, nâng cao dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Đặc biệt, triển khai khai báo y tế đối với các quân nhân đi công tác về đơn vị; 100% quân nhân viết cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi ra khỏi đơn vị đi công tác, đi phép; áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ mọi quân nhân trong giờ nghỉ, ngày nghỉ…

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.