Multimedia Đọc Báo in

"Ðại bàng trên bộ" của bộ đội 95

09:11, 11/07/2021

Với các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), mô hình chăn nuôi đà điều thương phẩm không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo ra thú vui đối với bộ đội trong những ngày nghỉ cuối tuần. Những chú đà điểu vẫn thường được các chiến sĩ gọi vui là “đại bàng trên bộ” bởi vẻ bề ngoài to lớn, song rất nhanh nhẹn, hiền lành, thân thiện.

Sáng sớm, theo hiệu lệnh báo thức của bộ đội, trong khu chuồng nuôi rộng gần 3.000 m2, những chú đà điểu cũng bắt đầu vươn vai, sải cánh, cất tiếng kêu tọc… tọc… tọc… như có ai vừa rít thuốc lào. Đang mải mê “tập thể dục”, vừa thấy bóng thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Y Siết Niê và hạ sĩ Y Hiên Hmôk - y tá Bệnh xá Quân y 24 khiêng chậu rau bước lại cửa chuồng, cả bầy vội vã chạy bổ ra, nghển cổ đòi ăn.

Những chú đà điểu của  bộ đội Trung đoàn 95.
Những chú đà điểu của bộ đội Trung đoàn 95.

 Chỉ vào hai chú đà điểu đang phải tập “vật lý trị liệu” phía góc chuồng, hạ sĩ Y Hiên Hmôk nói: “Đà điểu rất háu ăn. Từ rau củ quả đến lá cây, cơm thừa, canh cặn, cám bột, loại nào chúng cũng “xơi” được cả. Cách đây khoảng một tuần, trong lúc nô đùa, tranh ăn, hai chú đà điểu này không may xảy ra va chạm, dẫn đến viêm cơ. Chúng tôi phải buộc dây, treo cánh, cho chúng đứng một chỗ, bởi với trọng lượng cơ thể quá lớn, nếu để chúng tiếp tục vận động trên đôi chân bị tổn thương, nguy cơ gãy chân hay bị liệt sẽ rất cao. Sau một thời gian kiên trì điều trị, chăm sóc, sức khỏe của chúng đã cải thiện rất nhiều rồi. Nghe chúng tôi kể lại chuyện này, nhiều chủ trại giống và chăn nuôi tỏ ra rất bất ngờ, vì lần đầu tiên họ biết về phương pháp điều trị cho đà điều có một không hai này”.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu, anh Y Siết Niê cho biết: Đà điểu là giống chim to lớn, thích vận động nên khu vực nuôi nhốt cần thoáng mát, đủ rộng để chúng vận động. Chỉ ban đêm đà điều mới vào chuồng để ngủ, nên chuồng trại của chúng cũng khá đơn giản, đủ tránh mưa, tránh nắng là được. Nuôi đà điểu, khó nhất là giai đoạn dưới một tháng tuổi, vì chế độ dinh dưỡng, chăm sóc khá cầu kỳ, còn khi qua được ngưỡng này rồi, thì ngoài cho ăn với dọn chuồng, hầu như không phải làm gì. Ngoài các phụ phẩm từ nhà ăn, nhà bếp, thi thoảng các anh cho đà điểu ăn thêm cám, tinh bột để đảm bảo dưỡng chất. Sau 6 tháng chăm sóc, hiện tại, trọng lượng trung bình mỗi con đã đạt từ 70 - 80 kg, ngang ngửa một đàn gà. Tết này, ngoài thịt bò, thịt lợn, thịt gà, bộ đội Trung đoàn 95 sẽ được thưởng thức thêm rất nhiều món ăn ngon chế biến từ thịt đà điểu.

Binh nhì Phy Âm, chiến sĩ Đại đội 11 vẫn nhớ như in lần được đơn vị cử lên tăng cường cho Ban Hậu cần kiểm tra sức khỏe, trọng lượng định kỳ cho bầy đà điểu. Thấy anh thắc mắc về việc phải đeo ủng cao su trước khi bước vào chuồng nuôi, một cán bộ hậu cần giải thích: khi bị bắt, đà điểu sẽ tưởng chúng bị tấn công nên giẫy đạp rất mạnh, chân chúng khỏe lại có móng sắc nhọn, nếu không được bảo hộ cẩn thận, người bắt rất dễ bị thương. Chưa bao giờ anh được khiêng “chú chim” nào to như thế cả, mệt đến thở không ra hơi. Phy Âm dự định, sau khi xuất ngũ, sẽ mua vài cặp đà điểu về nuôi.

Thiếu tá Đào Mạnh Đức, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 95 cho biết: Đầu năm 2021, Trung đoàn 95 được Quân khu đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại và cấp cho 30 con đà điểu để nuôi thử nghiệm. Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thăm thân của toàn Trung đoàn đều phải tạm dừng, nhờ có bầy đà điểu, bộ đội có thêm một sân chơi thú vị. Vừa qua, nhiều đơn vị ở Gia Lai, Đắk Nông, Bình Định, Khánh Hòa cũng liên hệ với đơn vị để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi độc đáo này.

Ngoài dê, bò, gà, lợn, giờ đây, trên đỉnh đèo Hà Lan, với mô hình nuôi đà điểu, những người lính Trung đoàn 95 đã mở ra một hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tăng gia, sản xuất trong đơn vị.

An Khang


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.