Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (kỳ 4)

06:35, 01/09/2013

Nắng nhẹ, trời trong veo. Mát lành. Rừng già bao quanh rì rào trong gió. Tiếng con chim gầm ghì đứng ẩn mình trong vòm cây bên kia suối nghe khoan thoai, trầm ấm.

Hà ngồi trên võng, hai bàn chân để trên đôi dép, lặng nhìn con suối. Cái mát mẻ của con suối cứ lặng lẽ ngấm vào trong anh. Anh tư lự đón nhận cái cảm giác dễ chịu ấy.

Có tiếng chân người đi nhẹ sột soạt trên lá khô. Liền đó có tiếng ai gọi như chào anh từ phía sau.

- Anh Hà.

Hà ngoảnh mặt lại. Một cô gái. Cô Thu Nguyệt, y sĩ cơ quan.

Hà gật đầu và hỏi lại:

- Cô Nguyệt đấy à? Nghỉ tay rồi sao?

Cô gái lễ phép đáp lại bằng giọng nguyên chất của người Quảng Nam:

- Dạ, đã nghỉ mô. Chú Tâm bảo em vô coi anh có bớt sốt không. Chắc anh đỡ rồi đó. Nhưng da mặt anh vàng lắm, như bôi nghệ vậy.

Thu Nguyệt mặc bộ bà ba đen còn mới nên làn da trắng của cô càng nổi bật. Cô không đội mũ. Mớ tóc đen nhánh của cô được vấn lại một cách khéo léo thành một bó tròn ở phía sau gáy. Nguyệt cao chắc chưa đến một mét sáu, người chắc đậm. Nguyệt có đôi mắt to, có cái nhìn hơi nghiêm nghị mà thăm thẳm. Chỉ hơn tháng nữa Nguyệt sẽ tròn tuổi hai mươi hai.

Nguyệt đặt chiếc ca i-nốc của Mỹ đựng đầy canh rau đang bốc khói và một củ mì nướng màu vàng, giòn rụm xuống mặt phiến đá màu gan gà ngay trước mặt Hà. Vừa rút chiếc muỗng nhôm trong túi ra đưa cho Hà, Nguyệt vừa nói bằng một giọng vui:

- Anh ăn đi. Canh rau me đất đó. Em may mắn gặp vài cây me đất đứng kẹt giữa mấy hòn đá. Canh me đất chua dịu hơn canh lá bứa, rất dễ ăn, nhất là đối với người bệnh. Cả đời, mẹ em chỉ mê món cá liệt nấu canh me đất. Anh có thấy cái màu vàng vàng óng ánh nổi lên trên mấy lá me đó không? Có đố anh cũng không trả lời được. Dầu cá đấy. Lâu qua, cơ quan không có cá, có thịt chi hết. Chú Tâm đưa em chiếc áo may ô mới, nói là vô buôn đổi lấy con gà mẹ, gà con bằng nắm tay. Gà choai choai ăn thịt được thì bệnh xá tỉnh đem muối vô quơ hết trọi. Không biết răng mà hay quá, trong hộp thuốc của em còn đúng năm viên dầu cá. Nước sôi, cho ít muối, mấy lá me, năm viên dầu cá, mấy cánh mì chính. Vậy là có món canh ngon. Anh có thấy ngon không? Anh có thấy cái mùi tanh tanh của cá không?

Hà chăm chú nghe Nguyệt nói. Thái độ vui tươi của cô như lan sang cả Hà. Củ mì được nướng rất kỹ, vàng đều, thơm thơm. Lần đầu tiên anh ăn chiếc củ mì ngon đến như vậy. Và cũng lần đầu tiên anh biết vị dịu ngọt của canh me đất, khác hẳn canh lá bứa chua gắt mà cả cơ quan chan chan, húp húp hơn cả tháng nay. Anh cũng ngỡ ngàng cảm nhận cái vị thơm béo đến dễ chịu của hương vị mấy viên dầu cá. Khúc củ mì và chút canh chua me như đã mách bảo cho anh biết đang ở bên anh là một cô gái khéo tay, khéo một cách bình dị.

Trong cái phảng phất buồn, giọng Hà đã thấy vui vui:

- Quả thật cả hai món đều ngon. Ngừng một lát, anh nhìn cô gái và nói - Hình như tôi chưa bao giờ ăn món gì mà lại thấy ngon đến như vậy.

Đôi mắt Nguyệt sáng lên như muốn cười. Mặt cô chợt bẽn lẽn. Cô ngồi trên phiến đá gần đầu võng, hai gối khép lại và đôi bàn tay trắng của cô để nhẹ trên đầu gối.

Nguyệt lại thúc giục:

- Anh cố ăn hết đi chớ.

Hà vừa ăn vừa tư lự nghĩ: “Lạ thật, vẫn biết đây chỉ là củ mì, củ sắn, nhưng sao ta lại cảm thấy ngon miệng đến vậy, hơn nữa ta lại là bệnh nhân. Lạ thật”.

Nguyệt vẫn ngồi yên lặng nhìn Hà ăn, thỉnh thoảng lơ đãng nhìn con suối. Ánh nắng xuyên qua kẽ trống giữa các tán lá cây in thành những vùng sáng lớn nhỏ với vô vàn hình dáng di động trên lớp lá khô xung quanh chỗ hai người. Có lúc một tia sáng rọi thẳng xuống đầu Nguyệt làm cho những sợi tóc ngắn đang phất phơ bỗng sáng ánh lên.

Một ý nghĩ mới lại chợt vụt đến làm cho Hà ngập ngừng:

- Tôi tò mò muốn hỏi một chút...

Nguyệt nhìn thẳng vào mắt anh:

- Anh hỏi chi rứa?

Hà cười:

- Thế quê Nguyệt là Đà Nẵng phải không?

- Dạ không. Em ở Bình Định, dân xứ dừa mà.

Hà ngạc nhiên:

- Ơ, sao cô nói toàn giọng Quảng Nam, Đà Nẵng mà.

Nguyệt lại cười:

- Hồi em học ngoài trường y, ở chung với mấy đứa Quảng Nam tới hai năm, nên tiếng nói cứ lai giọng mấy đứa nó.

Một lát, Hà hỏi:

- Cô thoát ly lâu chưa?

- Dạ được bốn năm

- Gia đình cha mẹ thì sao?

Đến đây, đôi mắt Nguyệt chớp chớp mấy lần, cái nhìn trở nên tư lự và nét mặt phảng phất buồn.

- Dạ, em chỉ còn một mình... Cha mẹ mất sớm... Còn anh hai thì...

Nguyệt ngập ngừng, có vẻ muốn nói thêm, nhưng rồi cô im lặng. Hà thấy vậy, anh lập tức chuyển sang ý khác:

- Cô học y ở đâu vậy?

- Dạ ở trường ngoài Khu Năm. Học xong, em được phân về Dak Lak với một con bạn nữa. Mới đấy mà đã ba bốn năm rồi.

Tới đây, Nguyệt cầm chiếc ca, đứng dậy:

- Nói chuyện với anh lâu quá. Em đi làm đây. Anh nằm nghỉ cho khỏe.

Hà không giấu được xúc động:

- Chuyện trò với cô, tôi quên là mình đang ốm.

Nguyệt nhoẻn miệng cười không thành tiếng và bước đi.

Hà đứng dậy, vươn vai mấy lần rồi xuống suối - Nhìn qua mảng rừng trống trước mặt, anh thấy nắng trắng đầy trời. Gió từ bên kia suối tràn qua mát rượi. Đâu đó vang lên những âm thanh ríu rít của lũ chim pơlatúc. Phía sau lưng Hà, lửa đốt rẫy đã cháy bừng bừng, nghi ngút khói.

Ngôi trên mô đá giữa dòng suối, Hà nghĩ miên man đủ chuyện. Bây giờ, quanh đi quẩn lại, tâm trí anh cứ vấn vương đến cô gái Bình Định mà anh vừa tiếp chuyện. Mấy anh bạn trẻ cơ quan nói là cái cô Nguyệt ấy tốt nết, đẹp người, nhưng lòng dạ lại kín như bưng. Mọi người biết về Nguyệt cũng chỉ sơ qua đại khái những điều mà Nguyệt đã nói với Hà ban nãy. Còn gia đình ra sao, nhất là bạn trai cô ấy ra sao thì chưa một anh nào biết chi tiết cả. Hễ nhắm chừng có ai định hỏi gia cảnh, chuyện tình cảm riêng thì cô ấy tìm cách lảng sang chuyện khác ngay hoặc ngồi im thin thít. Đã mấy lần, vài ba anh bên Tỉnh đội lân la tỏ ý làm bạn thì cô ấy bảo đã nhận lời anh du kích dưới quê. Trong cơ quan, không phải không có người cho Nguyệt ỷ có chút nhan sắc nên làm cao, kiêu kỳ. Hà tự hỏi: “Vậy tại sao cô ấy trò chuyện với mình cởi mở như thế? Vì mình là bệnh nhân chăng? Hay vì mình là lính mới nên cô ấy thương tình động viên? Ồ, mà cô ấy có cởi mở gì đâu nhỉ? Khi mình hỏi chuyện gia đình cô ấy lặng người đi ngay - Nghĩa là cô ấy xử sự với mình giống như với bao người khác”.

Khi lên võng nằm, dòng suy nghĩ của Hà vẫn không dứt: “Phải nói rằng cô ấy đẹp. Một người đẹp hiếm thấy trong chiến tranh, giữa muôn vàn gian khổ. Khuôn mặt cô ấy đẹp một cách nghiêm nghị. Nhìn lâu, thấy trong cái vẻ nghiêm nghị ấy có cái đôn hậu toát ra từ đôi mắt đen nhánh và sáng ánh lên khi cười. Vâng, hình như cũng từ đôi mắt ấy hàm chứa nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc ấy được chôn chặt trong lòng để nhiều người coi cô ấy như một bức tường kín mít”.

Dòng suy nghĩ khiến Hà xúc động. Anh ngồi dậy và tự hỏi với mình: “Phải, dù sao mình cũng cảm ơn món canh me của cô ấy. Cảm ơn cả những lời của cô ấy. Nó đã làm cho lòng mình bớt trống trải, bớt buồn hơn”.

Hà không muốn ngủ nữa.

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài

 


Ý kiến bạn đọc