Từ sông Krông Bông (kỳ 6 *)
Quang vốn là người của ban tuyên huấn tỉnh. Trên điều anh về công tác quanh vùng ven đã hơn một năm. Anh mới được bổ sung vào thị ủy Buôn Ma Thuột, làm đội trưởng đội công tác năm người. Đơn vị của anh đứng tại địa bàn cách Buôn Ma Thuột mười chín cây số, có nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh trong công nhân đồn điền cà phê, tạo điều kiện để giữ vững đường dây liên lạc vô ra giữa lãnh đạo thị ủy đóng tại căn cứ rừng buôn Ea Na với các đầu mối trong nội thị. Tuy xa ban tuyên huấn đã lâu nhưng tình cảm của anh vẫn rất gắn bó với anh chị em đơn vị. Lâu lâu, có điều kiện, anh đều ghé thăm. Lần này, nhân có cuộc họp huyện ủy, anh xin phép về thăm đơn vị một tối. Người anh cao to, khá đẹp trai, tính tình vui vẻ tuổi vừa tròn hai mươi ba. Đặc biệt, anh là người rất gan lì với bom đạn, là trụ cột của cơ quan mỗi khi chống càn. Các cô gái trẻ trong cơ quan ai cũng muốn làm bạn với anh, thường gọi anh là người đào hoa số một. Thế mà, chưa bao giờ anh nghĩ là mình sẽ có bạn gái. Nói đến con gái, anh chỉ biết đỏ mặt, ngồi im.
Quang trở lại địa bàn cùng với một đồng chí thường vụ huyện ủy, người đặc trách phụ trách địa bàn cánh đông.
Họ đi trong cánh rừng già phía đông Buôn Ma Thuột. Cây lá che mát rượi. Lớp lá khô mục rất dày, xôm xốp và ẩm ướt. Rừng cây phía buôn Ea Na hầu hết là bằng lăng.
Thông thường Quang đón khách trong nhà dân vào lúc tám chín giờ tối, về đến vị trí đóng quân của đội lúc nửa đêm. Với trường hợp của Thanh Xuân, tối hôm đó, không biết có động tĩnh gì mà bọn cảnh sát từ Buôn Ma Thuột lại sục sạo khu vực đồn điền tới gần nửa đêm. Đội công tác bám bên ngoài nghe tiếng chửi bới từ trong nhà ra ngoài sân, rồi tiếng xô xát như sắp đánh nhau to, ngay tại gia đình một cơ sở có Thanh Xuân đang ẩn náu dưới hầm bí mật. Đội biết đó là ám hiệu có tình huống không bình thường. Đến gần sáng, khi thấy có người bưng ngọn đèn dầu đi đi lại lại phía chuồng heo sau nhà, báo tình hình đã yên, anh em mới bám lần vào. Khách đã đợi dưới mái hiên đầu nhà. Chị chủ nhà tay bưng cái đèn dầu, ghé miệng nói nhỏ với Quang: “Con Xuân”. Quang thấy mừng bởi dự đoán của anh là đúng. Anh kêu thầm: “Ôi Xuân đã ra!”.
Đồng chí thường vụ thị ủy tới đội công tác thì đã mười giờ trưa. Quang cũng nghe báo cáo tình hình chung do Thanh Xuân chuẩn bị. Sau khi ăn trưa xong, chắc đến một giờ, đồng chí thường vụ làm việc riêng với Thanh Xuân chừng một tiếng nữa rồi cùng giao liên trở lại cơ quan ngay. Còn lại, đội công tác ba người, với Thanh Xuân nữa là bốn. Họ nghỉ ngơi và sắp sửa nấu cơm chiều để ăn sớm. Đến sẩm tối đưa Thanh Xuân vào đồn điền và cô về lại Buôn Ma Thuột vào sáng sớm mai.
Thanh Xuân nằm dưới hầm bí mật suốt buổi chiều và tối vừa qua. Một chiếc thúng lớn lót rơm làm ổ gà được đặt ngụy trang trên miệng hầm bí mật. Gà đẻ hơn chục trứng. Chắc vì ổ gà đó nên con mạt bò sang khắp người Thanh Xuân. Khi đứng chờ đợi dưới mái hiên đầu nhà, cô gãi đỏ cả người, chắc có đôi chỗ rớm máu. Cô phải gần như cắn răng lại để không phải gãi trong khi làm việc hoặc đang nói chuyện với mọi người. Giờ đây, cô không thể chờ mai về thị xã mới tắm. Trời còn sớm, mới ba giờ chiều. Cô phải đi tắm. Ở đây, có con suối đá, nước trong vắt, anh em quen gọi là giếng tiên. Thanh Xuân nói nhỏ với cậu Quí, người trẻ nhất đội, tuổi mới mười bảy: “Chị đi đây một chút”. Quang thấy Thanh Xuân rút trong giỏ nhựa ra một bộ quần áo và chiếc lược nhựa to bản, anh biết cô đi tắm.
Quang hỏi cậu thanh niên:
- Quí, em gỡ trái mìn trên đường xuống suối chưa?
- Dạ, em gỡ lâu rồi. Chú Bốn thường vụ đi là em gỡ ngay thôi hà. Anh khỏi lo. Cậu thanh niên tên Quí nhanh miệng trả lời.
Vị trí đóng quân của các đội công tác, bao giờ cũng là tiêu điểm của mọi cuộc lùng sục, tìm kiếm của lũ biệt kích, thám báo. Vạt rừng đội công tác của Quang trú quân luôn bị chúng lùng sục bất ngờ và đã nhiều lần bị lộ.
Kể từ đó, đã thành một lệ, hễ có người trong nội thị ra, đàn ông hay đàn bà, con gái hay con trai, mỗi khi họ tắm, đội công tác phải cắt người ôm súng canh hai đầu con suối.
Thanh Xuân đi xuống suối. Và cô không biết rằng có hai thanh niên ôm súng AK đứng hai đầu con suối, gác cho cô tắm.
Thanh Xuân đã quen vạt rừng và con suối này. Đỗi trước, đội công tác cô trú quân ở đây hơn nửa năm. Từ ngày cô vào thị, đội đã thay đổi vị trí vài ba lần, mới quay lại đây chừng một tháng.
Ánh nắng chiều xuyên từng luồng sáng lóng lánh ngay phía trên đầu cô. Trên tán cây cổ thụ chắc có lũ khỉ ẩn trong lá, bởi cô nghe chúng kêu khẹc khẹc, thỉnh thoảng có con chuyền cành, vang lên âm thanh xào xạc, nhè nhẹ. Thanh Xuân lặn xuống một hơi, chuẩn bị lên bờ. Cô rất biết không phải lúc để hưởng cái mát lành, tinh khiết của giếng tiên. Cô vừa bước lên mé giếng thì bỗng nghe tiếng lũ khỉ kêu hốt hoảng và chúng nhảy chuyển cây ào ào. Ngẩng mặt lên phía chân đồi, cô thấy hai tên lính biệt kích chĩa súng về phía cô và ba tên khác đang dùng súng rẽ lớp tranh dày đi xuống theo sườn đồi dốc đứng. Chúng muốn bắt sống Thanh Xuân. Cô vùng chạy và kêu to: “Biệt kích”. Đạn A.R 15 đuổi theo. Liền đó, tiếng AK hai đầu suối nổ ran. Thì ra, bọn biệt kích lần này không mò theo dọc suối, mà đi từ đồi xuống một cách bất ngờ.
Quang đang ngồi trên võng. Nghe tiếng súng nổ, anh kêu lên: “Chết cha rồi!”. Hai cậu thanh niên sau khi nổ mấy loạt AK vội chạy về chỗ Quang. Không cần bàn bạc, họ vội chia nhau đi tìm Thanh Xuân. Không có gì hơn, không có gì ngoài câu hỏi: Cô ấy có sao không? Cô ấy chạy hướng nào? Lúc này mặt trời sắp lặn. Dưới chân rừng cây cổ thụ đã bắt đầu mờ mờ tối trong khi trên ngọn cây còn nắng hoe vàng.
Thanh Xuân thét lên rồi quay người lại, chạy xuôi theo con suối. Bọn biệt kích rượt theo để bắt sống. Nhưng khi nghe thấy tiếng mấy loạt A.K nổ ngay trên đầu, chúng đành dừng lại. Hai khẩu A.K của đội công tác đuổi chúng ra khỏi cánh rừng. Thanh Xuân bị chúng bắn đuổi theo mấy loạt A.R15 và cả M.79 nữa. Nhưng những thân cây cổ thụ đã che chở cô. Chạy chừng mười phút, cô dừng lại để thở. Khi nghe tiếng súng hai bên tao ngộ, cô biết là bọn biệt kích không thể đuổi theo cô được nữa.
Rồi như có ai gọi tên mình... Cô như trong mơ, không dám nghĩ đó là cái có thật. Một thứ âm thanh trầm ấm gọi tên mình. “Phải, thật mà... anh ấy gọi tên mình, thật mà...”. Cô đứng lại và sững sờ nghe tiếng gọi mỗi lúc một rõ ràng hơn
Thanh Xuân ơi!
Thanh Xuân ơi!
Cô chợt nhận ra hình như cô đang bước từ thế giới khủng khiếp của đêm tối và rừng già, để về với thế giới thường ngày ấm áp mà cô đã từng có. Cô hít đầy lồng ngực và kêu to về hướng có tiếng gọi mình: “Em đây!”. Một lần nữa: “Em đây!”. Tiếng của cô lọt thỏm chốn rừng già. Vậy mà cô cứ đinh ninh nó vang vọng xa, xa lắm. Nó như có cánh bay. Và cô cũng vậy, vừa rạo rực, vừa sung sướng, cô như muốn bay lên. Phía trước mặt cô, một khoảng trống lớn, một cái hồ rộng chắc đến nửa hec ta đột ngột hiện ra, mặt nước lấp lánh chút nắng chiều còn rơi rớt.
Quang vừa sải những bước dài vừa hỏi:
- Xuân đâu? Xuân đâu?
Thanh Xuân đáp lại:
- Em đây. Em đây.
Một lúc sau nghe tiếng Quang kêu hỏi mấy lần nữa. Thanh Xuân đứng nép mình vô thân cây bằng lăng bên hồ. Tiếng Quang nghe rất gần. Nghe được cả tiếng bước chân - Thanh Xuân tự nhiên thấy sợ. Cô muốn thét lên “Em đây mà”, nhưng cô không sao mở miệng được. Rõ ràng cô nghe tiếng chân Quang bước phía sau cây bằng lăng, nơi cô đang đứng. Rồi Quang đi qua. Cô muốn gọi mà gọi không được. Cô dùng tay đập đập vô thân cây bằng lăng có khác nào đập xuống tảng đá, làm sao phát ra tiếng được. Cuối cùng, không hiểu sao, cô cứ kêu ú ớ trong miệng, rồi “ớ” lên một tiếng.
Quang quay lại, bước ra mép hồ nước và thấy Thanh Xuân đứng đó. Một cành lá che ngực. Mặt mày xanh mét. Mắt hơi nheo trong nắng chiều.
Quang chạy tới:
- Có sao không em?
Thanh Xuân ngước nhìn Quang, đôi mắt rưng rưng...
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc