Multimedia Đọc Báo in

Chuyện voi ở xứ sở mù sương

20:53, 03/04/2012

Voi rừng và voi nhà được thuần dưỡng Tây Nguyên không chỉ có ở Buôn Đôn (Dak Lak), quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng mà ngày xưa còn dễ dàng tìm thấy ở cao nguyên Di Linh, Lang Biang và một số nơi khác thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

Con voi của bác sĩ Yersin.

Vào thập niên 1950, ở Djrinh (Di Linh) đã từng có dịch vụ cho thuê voi để đi du lịch săn bắn. Lúc đó, Di Linh là vùng săn bắn của giới giàu có, còn vùng phụ cận Đà Lạt là nơi săn bắn của các quan lớn. Đầu thập niên 1950, Di Linh, Bảo Lộc và dọc đường 20 vẫn còn bạt ngàn rừng nguyên sinh, đây là nơi sinh sống lý tưởng của voi rừng và các loại thú rất thuận lợi cho việc tổ chức săn bắn. Tập sách ảnh “Ngày xưa Liangbian...Đà Lạt” của Tam Thái có một bức ảnh khá thú vị. Trong bức ảnh có thể thấy rõ một chú voi đực với cặp ngà dài, phía trước là một người nài điều khiển, trên bành chở 3 người, một nữ đội nón lá ngoái mặt về phía người chụp hình và cười rất tươi. Trên lưng voi còn có hai người đàn ông, trong đó có một người đang giương súng nhắm bắn (có lẽ làm động tác để chụp hình). Phía trước voi là bãi sậy mênh mông, xa xa là cánh rừng. Thật là nơi lý tưởng để cưỡi voi du ngoạn và săn bắn.

Thời Nguyễn Thông thám hiểm  cao nguyên Đà Lạt (1868), ông đã gọi vùng đất này là Sơn Động, ý nói là vùng thâm sơn cùng cốc, nhiều thú rừng hoang dã. 25 năm sau đó, Yersin có lẽ đã dựa vào bản đồ của Nguyễn Thông để tìm đến vùng đất này. Người ta đồn rằng ông suýt bỏ mạng vì đụng phải đàn voi rừng ở Dran (Đơn Dương). Có lẽ voi rừng lúc ấy còn hiền vì chưa bị con người săn bắn, chặt phá cây rừng nên chúng gặp người như Yersin không thèm tấn công, bỏ đi. Về sau, khi đã chinh phục, khám phá ra vùng Đà Lạt, Yersin có mua một con voi của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Con voi đó đã giúp ông đi lại, chuyên chở đồ đạc trong các cuộc hành trình. Tại khu lưu niệm bác sĩ Yersin ở Nha Trang chúng ta còn thấy bức ảnh đen trắng tư liệu quý giá chụp con voi của ông.

Đà Lạt, ngoài trung tâm nghỉ dưỡng còn được xem là kinh đô săn bắn của Việt Nam thuở đó. Một lý do để cựu hoàng Bảo Đại xây dựng các biệt điện ở Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và đặc biệt là biệt thự giữa chốn hoang dã trên đồi cao hồ Lak ở Lạc Thiện (huyện Lak, tỉnh Dak Lak ngày nay) nằm trên trục đường 27 nối Đà Lạt với Buôn Ma Thuột là để thuận tiện cho việc săn bắn của ông. Cứ vào tháng 4 hay tháng 5 hằng năm, cựu hoàng Bảo Đại thường tổ chức những chuyến đi vãn cảnh và săn bắn xuyên đường quốc lộ 27, qua tỉnh Dak Lak và kéo dài cả tuần nửa tháng, có khi đến cả một tháng mới về. Tại đây, cựu hoàng có riêng một bầy voi và có người quản tượng chăm sóc hẳn hoi. Ông Lê Du ở thị trấn Liên Sơn (Lak) là người quản tượng cuối cùng của Bảo Đại. Trong nhà cụ Lê Du có treo hai tấm ảnh chụp đàn voi của vua Bảo Đại vào năm 1944.  Những con voi này thường cao hơn 2 mét, có ngà dài uốn cong về phía trước trông rất đẹp và hùng dũng. Để tránh cho voi bị những tay săn bắn lầm, Bảo Đại đã cho quản tượng làm dấu vào đầu và thân những chú voi này. Trong số voi ấy, Bảo Đại quý nhất là con voi trắng. Sau này, khi Bảo Đại thoái vị, con voi trắng bứt dây xích bỏ chạy vào rừng sâu và biệt tăm. Nghe đồn nó mang theo xích vàng đai bạc trên mình nên nhiều người tổ chức đi săn tìm. Mãi đến đầu thập kỷ 1990, một người dân tộc Chu Ru ở Đơn Dương bắt được một chú voi con có lông trắng. Người ta cho rằng con voi này có thể là “voi cháu” của voi trắng của vua Bảo Đại ngày xưa. Sau đó, voi trắng này cũng bị chết, nó không bị chôn đi mà được lấy làm tiêu bản đưa vào bảo quản, trưng bày tại Viện Bảo tàng Sinh học Việt Nam.

Ngày nay, rừng Lâm Đồng, nhất là Vườn Quốc gia Cát Tiện, vùng giáp sông Đồng Nai thuộc huyện Đạ Oai và vùng giáp Tánh Linh (Bình Thuận) vẫn còn có những cá thể voi hoang dã. Do vùng sinh cảnh bị thu hẹp, voi xung đột với con người, thường phá lán trại, hoa màu của người dân. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn không làm gì gây ảnh hưởng đến tính mạng các “ông voi”. Nếu “ông” xuất hiện thì người dân tổ chức xua đuổi và cúng bái thần voi để voi đừng quậy phá. Bên cạnh voi hoang dã, Đà Lạt còn có những con voi nhà. Các điểm tham quan nổi tiếng tại nơi đây cũng có sẵn những chú voi nhà hiền lành để chở du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của xứ sở mù sương.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.