Tương ớt phố cổ
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) níu chân du khách không chỉ bằng ánh trăng già, những chiếc đèn lồng sặc sỡ sắc màu, mà còn là những món ăn đậm đà của người xứ Hội, mang cả linh hồn của một vùng đất “chưa mưa đà thấm”. Và món ăn nào cũng cần có một gia vị riêng, món tương ớt là một trong những gia vị đặc trưng của người phố cổ, đơn giản, dễ dùng và tiện lợi với mọi gia đình.
Những lọ tương ớt được bày bán trên khắp các gian hàng. Nó làm nhiều người muốn ăn ngay từ... cái nhìn đầu tiên. Để mỗi khi bỏ quá lượng tương, người ăn phải ngồi xuýt xoa vì vị cay nồng của nó. Chỉ cần một thìa tương thôi thì lập tức nó sẽ làm bát mì quảng, tô hủ tiếu, hay bát cao lầu của bạn sẽ...đổi màu! Từng lọ tương nho nhỏ nhưng hấp dẫn nhiều người từ màu sắc đỏ thắm, vị cay nồng của ớt và hương vị của những hạt vừng còn lẫn trong đó. Khác với món sa tế xứ bắc, tương ớt Hội An mang những hương vị đặc trưng, “níu kéo” những bước chân du khách khi đến vùng đất này.
Người làm ra món tương ớt đầu tiên là một cụ bà phố cổ, đã ở độ tuổi ngũ tuần. Bằng món tương ớt cổ truyền, cụ bà đã chinh phục được bao người khách đến từ nước Pháp. Rồi sau đó cơ duyên đã đưa cụ sang Pháp định cư, và cụ đã để lại bí quyết gia truyền cho con cháu nhằm tiếp tục giữ nghề tương ớt phố cổ. Phương pháp chế biến món tương ớt cũng đơn giản. Quả ớt để làm tương yêu cầu phải chín đỏ, đủ tháng đủ ngày, màu đỏ tươi, sau đó đem luộc rồi xay nhuyễn, trộn với cà chua vừa đủ, khử dầu cho vào chảo đun sôi. Và cho thêm một số phụ liệu như mè rang, tỏi... trộn đều cho thấm, để ráo nước là thành tương ớt. Khi tương nguội cho vào lọ, trên lọ đổ một lớp dầu khử chín để giữ được lâu và tránh mốc.
Những ngày giáp tết, món tương ớt được trưng bày khắp các gian hàng trên phố bởi nó là một trong những đặc sản của người Quảng để các du khách gần, xa ai cũng có thể mua về vài lọ về biếu cho bà con láng giềng.
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc