Multimedia Đọc Báo in

Thoang thoảng hương cau…

09:53, 27/10/2015
Tuổi thơ tôi lớn lên in đầy kỷ niệm gắn liền dây trầu, buồng cau, đó là những buổi trưa xúm xít ngồi phụ mẹ chẻ cau phơi khô, là những chiều hè được mẹ đưa tay phây phẩy chiếc quạt mo cau gọi gió về ru giấc ngủ say nồng, là tiếng cười giòn tan vỡ òa trong trò chơi kéo mo cau…

Mẹ có thói quen ăn trầu, ba trồng cây cau trước nhà để mẹ lấy quả, và dĩ nhiên, dưới gốc cây không thể thiếu dây trầu. Mẹ siêng chăm tưới nên dây trầu lúc nào cũng xanh mướt thi nhau sải những chiếc lá như bàn tay xòe ra đón nắng mai, dây cứ quấn chặt vào thân cây cứ thế mà leo lên cao mãi, cau thì trổ buồng quanh năm nhưng thường thì mùa mưa buồng sai trái hơn. Mẹ chỉ cần nhìn là biết cau đã dày vỏ hay chưa mà sai anh tôi leo lên hái xuống dùng và biếu cho hàng xóm. Nhà tôi nằm ở đầu ngõ nên chiều chiều hoặc tối đến các bà, các mẹ hay tụ tập ngồi uống nước và thong thả nhai trầu móm mém.

Trước hiên nhà, mẹ hay ngồi bửa cau, còn đám con  nít tụi tôi thì xúm xít ngồi xem. Cau tươi ăn trầu sẽ ngọt hơn nhưng không để được lâu nên mỗi khi hái buồng cau xuống, mẹ chỉ chừa lại một ít quả để ăn, số còn lại thì chẻ ra, tách riêng vỏ và  hạt xếp vào trong chiếc sàng nhỏ rồi mang phơi khô để dành ăn dần hoặc biếu cho mấy người bạn già. Những hôm trời không có nắng, mẹ mang hong ở giàn bếp để cau không bị mốc, mưa dài ngày hơn thì cả mẹ lẫn con cùng ngồi quanh bếp để sấy từng miếng cau. Thứ xác cau vừa cứng vừa xơ ấy, không chỉ để mẹ ăn trầu mà còn dành để tụi nhỏ chúng tôi hay lấy chà răng cho trắng sạch. Mỗi đêm trời trở gió, mẹ lại thức dậy thật sớm bởi thế nào cũng có mo cau rụng xuống. Buổi sáng, trong mùi hương cau thoang thoảng, mẹ nhặt từng tàu lá vừa rời cây tối qua, lấy con dao nhỏ, ngồi tỉ mỉ tách bỏ bớt lá rồi chỉ chuốt lấy phần cọng. Mẹ bảo phải làm thật cẩn thận và nhẹ nhàng bởi lá cau mỏng, cọng lại rất dễ gãy, nếu sơ suất một tí là sẽ dễ lỡ tay làm cọng bị đứt, coi như hỏng. Nắng sớm mai vừa chạm ngõ, mẹ trải những tàu cau vừa chuốt kỹ ra phơi khô rồi lấy nan lạt buộc thật khéo, bó thành chiếc chổi quét sân. Chổi làm từ tàu cau khỏi phải nói rất bền, lại mềm, quét rất êm tay, chẳng thấy ai dùng mà chê bao giờ. Mỗi khi có một tàu cau rụng xuống như thế, không chỉ để mẹ làm chổi mà lũ con nít chúng tôi cũng vui lây vì có trò để chơi. Thường thì trò kéo mo cau luôn được cả đám mê nhất, mo nhỏ thì chỉ đủ cho một đứa  ngồi, may mắn nhặt được chiếc lớn hơn thì sẽ có hai đứa ngồi gọn trong đó rồi bắt mấy đứa trẻ con khác cầm đầu còn lại kéo đi quanh sân, vậy mà vui không gì bằng, tiếng cười trẻ thơ giòn tan trong nắng sớm... Cũng có khi, chiếc mo đó  được mẹ cắt tỉa cẩn thận, phơi khô dùng để làm quạt, còn đám con nít thì đứng nhìn mà lòng buồn xo, tiếc vì trò kéo mo cau đã không thành.

Theo năm tháng, đám con nít ngày ấy giờ đã trở thành thiếu nữ, thanh niên, mo cau rụng xuống cũng không ai giành lấy để chơi trò kéo mo. Nhưng dây trầu, ngọn cau ấy vẫn mang nhiều cảm xúc mới mẻ theo thời gian. Có những hôm cau trổ buồng, hoa trắng rụng xuống cả vạt dưới nền đất, mùi hương thoang thoảng làm thức dậy nhiều nỗi niềm man mác.

Sớm nay, trời thu chớm lạnh ghé ngang qua nhà, nhìn buồng cau chín vàng, lá trầu cũng rụng xuống lẻ loi, chợt thấy lòng nôn nao đến lạ... Đường làng ngõ nhỏ vẫn cây cau già thẳng tắp, mấy lá trầu lao xao trước gió và cau trên buồng nõn nà có đến vài trăm trái còn ướt đẫm sương đêm. Cúi nhìn xuống gốc, có đôi ba bẹ cau già rơi rụng, nằm buồn xo, chỏng chơ trên nền đất, hình như lâu rồi không có ai bó chổi. Dây trầu quấn quanh thân cây cũng toàn những lá già màu xanh sẫm, có không ít lá đã hanh hao vàng, bởi người  hái đã đi xa rồi, rất xa…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.