Dưới bóng đa làng
Con người hay dùng dằng giữa ranh giới của cái cũ và mới. Biết rằng, cuộc sống luôn cần sự thay đổi. Nhưng cũng có những thứ thuộc về truyền thống, thuộc về lịch sử, thuộc về những tín ngưỡng tâm linh cần được lưu giữ cho con cháu đời sau biết đến.
Xuất phát từ suy nghĩ ấy, bao năm qua, khi những ngôi nhà văn hóa khang trang đã mọc lên, những con đường đất đỏ dần được bê tông kiên cố, người dân quê tôi vẫn gắng giữ lại gốc đa cổ thụ đầu làng. Bởi ở đó, có những câu chuyện dài thuộc về quá khứ…
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe đồn đại làng nọ, làng kia lập kỷ lục về việc xây những chiếc cổng làng cao nhất, đắt tiền nhất, thì lại càng cảm thấy tự hào vì hình ảnh cây đa gác mái cổng chào của làng mình giờ trở nên độc đáo. Giữa cái thời đại sắt thép, xi măng công nghiệp, xây dựng được một công trình mới thì dễ, nhưng để bảo tồn được những cái cũ ông cha để lại thì thực sự vô cùng khó. Nói thế để thấy rằng, mỗi nơi có một quan niệm riêng về cái Đẹp của văn hóa làng xã. Khoan hãy phân biệt rạch ròi đâu là hiện đại, đâu là lỗi thời? Bản thân tôi cho rằng, giữ lại cây đa là việc nên làm, là cách trân trọng một nếp làng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân bao thế hệ.
Gốc đa cổ thụ làng tôi đã ngự ở đấy mấy trăm năm nhọc nhằn mưa nắng. Đến cả những bậc bô lão cũng không biết chính xác độ tuổi của nó. Chỉ biết rằng, dưới bóng đa, vẫn còn đó những truyền thuyết vô cùng hấp dẫn. Ông tôi kể, ngày xưa, cứ đến mùa hè, dải đất miền Trung quê mình lại nóng như lửa đốt. Người lớn, trẻ con lúc nào cũng phải chui rúc trong căn nhà tranh chật chội để tránh nắng mà chả mấy khi dám ló mặt ra ngoài. Thương tình, một bà tiên đã mang đến cho làng một cây đa nhỏ để trồng ngay bên cổng. Từ đó, cây đa xòe tán lá đến đâu, bóng mát tỏa ra đến đó. Và gốc đa làng trở thành không gian sinh hoạt đầy ắp tiếng nói cười.
Minh họa: Trà My |
Nhịp sống cứ êm đềm trôi. Người dân quê tôi ngang qua đây, dù bận rộn cỡ nào vẫn ráng bớt chút thời gian nán lại dưới bóng đa làng bông đùa chuyện phiếm mua vui. Những trưa đi làm đồng về, các bác nông dân thường ngồi bệt ngay xuống đất, vừa phe phẩy chiếc nón lá nghiêng nghiêng, vừa thủ thỉ chuyện mùa màng, thời vụ. Luồn qua những kẽ lá, từng đốm nắng tinh nghịch nhảy nhót trên những gương mặt sạm đen, khắc khổ. Và đợt gió lành hiền gói ghém đầy hương đồng nội từ xa xa thổi về như đang xoa dịu cả trưa hè oi bức.
Người lớn có chuyện của người lớn, trẻ con có chuyện của trẻ con. Trưa trưa, chúng tôi thường chắp tay thổi thành tiếng sáo ra hiệu cho nhau tụ tập bên gốc đa chơi trốn tìm, đuổi bắt. Nếu như đám trẻ thành phố được đi chơi bể bơi, siêu thị, công viên, thì đối với lũ trẻ nông thôn chúng tôi, bể bơi là dòng sông, siêu thị là chợ xép, và công viên chính là cây đa cổ kính này. Tại đây, chán trốn tìm, đuổi bắt, chúng tôi chuyển sang ngắt lá đa làm trâu để chọi, hay có khi trèo ngược lên ngọn tìm bắt tổ chim. Tiếng chim hót giữa ban trưa nghe thánh thót, trong veo đến lạ. Đôi lúc đã định bắt cả bầy chim sâu mang về nuôi, nhưng rồi chúng tôi lại lưỡng lự khựng tay.
Năm tháng trôi đi, chúng tôi lớn lên, còn cây đa dường như không lớn thêm được nữa. Cây đa vẫn còn đó những cành nhánh sum suê tỏa bóng che mát một góc làng bình lặng. Chỉ khác là giờ đây, dưới gốc đa có một quán nước nhỏ. Ai đi qua, về lại vẫn giữ thói quen đến đó đàm đạo chuyện đời. Bao nhiêu vướng bận, bao nhiêu muộn phiền, cứ uống tạm một ngụm nước vối chan chát để tạm quên đi trong chốc lát. Nơi những cành to vững chãi của cây đa, những bậc phụ huynh mắc sẵn mấy chiếc xích đu dong dây thừng chắc chắn. Thầm nghĩ, lũ trẻ nay sướng hơn chúng tôi ngày trước nhiều, vừa được chơi, lại vừa có chỗ mua kẹo bánh khi cần.
Tôi vẫn luôn mặc định một ý nghĩ rằng, chữ “quê” sinh ra, bản thân nó đã hàm chứa hình ảnh của cây đa, bến nước, mái đình rồi. Ở quê tôi, bến nước chẳng còn, mái đình cũng đang dần biến mất. Chúng ta luôn mong muốn hướng tới tương lai, nhưng cũng rất cần được tắm trong suối nguồn của lịch sử. Vậy nên, việc cây đa còn tồn tại cho đến ngày hôm nay chính là niềm an ủi quý giá để những người con đi xa hoài vọng cố hương, để lòng được thổn thức ngoái trông dáng mẹ dưới bóng đa đừng đợi chờ ta giữa một chiều miền Trung xao xác gió Lào…
Phan Đức Lộc
Ý kiến bạn đọc