Nỗi nhớ chợ quê
Sống ở phố, công việc luôn bận rộn, nên tôi thường lên mạng mua sắm những thứ mình cần. Có khi tranh thủ ra siêu thị gần nhà để mua hàng.
Thời đại công nghệ thông tin, nên mỗi người, mỗi nhà thường không tốn thời gian quá nhiều cho việc mua sắm. Từ thức ăn sẵn, đến những vật dụng trong gia đình, hay bộ quần áo thời trang đều có sẵn trên những trang web mua sắm. Nhưng không hiểu sao, hình ảnh cái chợ quê nhỏ bé, với vài ba gian hàng liêu xiêu vẫn khắc khoải trong tôi.
Ngày trước ở quê, cứ vào mỗi buổi sáng trên đường đến trường, tôi thường đi qua chợ quê. Còn bây giờ, sống và lập nghiệp ở thành phố, nên hình ảnh chợ quê chỉ còn là nỗi nhớ trong tôi. Tôi thường xuyên đi chợ online, ngồi nhà hay ngồi văn phòng, chỉ cần cú nhấp chuột, hàng trăm mặt hàng hiện ra trước mắt tôi từ hàng nội đến hàng ngoại. Và nhiều biển quảng cáo đặc sắc, cùng với những người mẫu đẹp như tiên giáng trần lúc ẩn lúc hiện khá thu hút. Hình thức thanh toán cũng gọn nhẹ, không trả giá, thêm bớt.
Nhưng tôi vẫn thích, và mong muốn có dịp về quê đi chợ với mẹ. Ở cái chợ quê thân thương ấy đã gắn bó với tôi bao kỷ niệm. Tuổi của chợ cũng giống như tuổi của người, mỗi mùa xuân trôi qua, chợ lại thêm một tuổi mới. Chợ nhỏ thôi, nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, cây nhà lá vườn theo đôi quang gánh các mẹ ra chợ. Và chợ quê như rộn ràng, đông vui hơn vào những dịp lễ, Tết.
Minh họa: Trà My |
Đến chợ quê, tôi vẫn bắt gặp bao hình ảnh thân thương, cùng những đôi quang gánh, chiếc nón lá của những người phụ nữ chịu thương chịu khó. Những người đàn bà quê đẹp như loài hoa muống biển. Họ chống chọi với nắng, với gió khô cằn, không lộng lẫy, kiêu sa như những người phụ nữ với các gian hàng trên chợ online, nhưng những người đàn bà quê ấy vẫn cứ đẹp mặn mà.
Lúc còn nhỏ, khi gà bắt đầu cất tiếng gáy, trong lúc tôi chuẩn bị dậy học bài, thì mẹ đã chuẩn bị xong gánh cải để đi chợ. Chợ quê thường đông đến trưa. Mỗi lẫn ra chợ tôi thường bắt gặp những gương mặt cùng bao gánh hàng quen thuộc. Đó là gánh ốc hút được trang trí bởi màu đỏ của ớt, hay củ sắn, củ khoai luộc chín bên cạnh gói muối mè, và cả những chiếc bánh xoài, bánh cam mà chị em tôi thường rất thích. Vui mắt hơn cả là những chiếc bánh ú nhỏ xíu được gói khéo léo sau lớp vỏ chuối, hay những cái bánh xèo nóng hổi, và cả chùm ổi chín đặt trong cái rổ tre.
Trong lúc mua bán thường không có sự cãi vã, giành giật mà ai nấy cũng nhẹ nhàng trao đổi. Bởi người dân quê tôi họ hiền lành, chất phác. Có người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với cái chợ quê nhỏ bé ấy. Họ từng là những cô gái cần mẫn bên gánh rau, rổ cà, mẹt cá. Rồi năm tháng trôi qua, họ như già đi, đánh rớt tuổi thanh xuân của mình trên từng khúc đường làng, dưới mỗi đôi quang gánh theo năm tháng. Tôi nhớ nhất là có những cuộc mua bán không chỉ được tính bằng tiền, mà ở đó còn có cái tình, cái nghĩa với nhau.
Và sau mỗi buổi chợ, mẹ thường mang về cho chúng tôi những gói chè đậu ván mát rượi, hay khúc mía, gói bánh tai heo. Cứ thành thói quen, những buổi sáng được nghỉ học tôi theo mẹ ra chợ, đứng một bên xem mẹ buôn bán. Rồi những buổi trưa, sau khi tan học chúng tôi gắn nỗi chờ đợi, niềm vui của mình vào gánh hàng rong của mẹ. Có khi thằng em mắt lệ nhòa, chờ đợi mẹ sau buổi chợ ế để có tiền nộp học phí. Tôi thấy mà thương quá đỗi, thương em, thương mẹ và thường cả những buổi chợ quê.
Có đôi lần về quê, ngang qua chợ, chợ quê giờ đông vui, khang trang hơn trước, với nhiều loại hàng mới, với những gương mặt với. Nhưng hình ảnh thân quen của những người phụ nữ trong làng vẫn còn đó. Từng vết chân chim theo nụ cười của các chị đã luống tuổi, như kéo tôi về với ngày thơ ấu. Khi tôi còn nhỏ, các chị cũng có một thời thanh xuân. Còn bây giờ, các chị dần già nua theo gánh rau, gian hàng của mình. Có lẽ, đó cũng là quy luật của tự nhiên.
Dù đã lớn, nhưng tôi vẫn còn sở thích ăn những món quà quê. Có khi là ly chè bắp, hay chiếc bánh xoài, bánh ú. Cứ mỗi lần nghe mẹ sắp lên phố thăm chị em tôi, tôi không quên dặn dò mẹ mang theo cho tôi những thức quà quê ấy để tôi nhớ về cái chợ quê nhỏ bé, nhớ về những kỷ niệm thân thương đã qua cùng một thời vụng dại.
Thân Thị Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc