Thách thức về nguồn nhân lực cho công nghiệp nguyên tử
Năng lượng hạt nhân đang trở thành lĩnh vực được các quốc gia trên Thế giới chạy đua trở lại. Hơn 40 quốc gia trên thế giới đã có khoảng 53 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, 142 lò đã lên kế hoạch thành lập và 327 lò đang trong quá trình nghiên cứu.
Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi tăng mạnh, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu thì ngành công nghiệp nguyên tử đang trở lại tầm vóc của nó.
Công nghiệp nguyên tử là ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao. Đội ngũ nhân lực hoạt động trong ngành này phải có vốn kiến thức khoa học kỹ thuật, bề dày kinh nghiệm và kỹ năng làm việc tốt.
Trong suốt một thời gian dài trào lưu phát triển điện nguyên tử lắng xuống. Lực lượng lao động được tuyển dụng vào ngành không nhiều. Số lao động chủ yếu hoạt động cầm chừng. Sự ngập ngừng của các quốc gia khiến giới trẻ cũng không mấy quan tâm tới các ngành khoa học về nguyên tử. Việc trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia cũng hạn chế. Đến nay, một số lượng lớn lao động trong lĩnh vực này đã đến tuổi nghỉ hưu. Đây là những lý do khiến cho ngành công nghiệp nguyên tử đang hồi phục đứng trước những thách thức lớn về nhân lực.
Cách đây hơn mười năm, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề cao của ngành năng lượng nguyên tử như hiện nay. IAEA cảnh báo về sự mai một về kinh nghiệm khoa học được tích lũy qua nhiều thế hệ. Kiến thức về hạt nhân phải được quản lý và duy trì.
Việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử không chỉ đặt ra những đòi hỏi về năng lượng. Nó yêu cầu phải áp dụng cả hệ thống kiến thức để đảm bảo quá trình vận hành và sử dụng nhà máy đó một cách hợp lý.
Việc không chịu đổi mới kiến thức và kinh nghiệm sẽ dẫn đến những khoảng cách về tri thức. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro đối với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không nhận thức được nguy cơ rủi ro này thì sẽ dẫn đến khả năng chiến lược bị suy giảm.
Thời điểm hiện nay đang là giai đoạn nhu cầu về kỹ năng, kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được được đề cập một cách cấp thiết. Nhiều chuyên gia tại các quốc gia phát triển điện hạt nhân còn đưa ra cảnh bảo về nguy cơ của tình trạng mất mát tri thức.
(Theo KH&PT)
Ý kiến bạn đọc