"Chợ số" đông vui
Khi mua hàng là lướt web; đi du lịch lên mạng đặt tour; mua vé tàu xe trực tuyến. Ở nước ngoài cũng có thể mua hàng, thanh toán từ xa để tặng sinh nhật người yêu. Việc mua bán qua mạng đang thay đổi thói quen mua sắm của nhiều gia đình Việt...
Bom tấn "mua chung"
Năm 2011, cả thế giới, trong đó có Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của mô hình mua chung trên Internet. Mua chung hay còn gọi là Groupon (Groupon = Group (nhóm khách hàng) + Coupon (phiếu mua hàng)), từ mô hình do một chàng sinh viên trường nhạc ở Mỹ sáng lập, đến nay đã trở thành một trào lưu mua sắm trên toàn thế giới. Nguyên tắc hoạt động của hình thức này là khách hàng có thể được giảm từ 30 - 90% giá thành sản phẩm từ nhà sản xuất nếu có số lượng người mua nhất định trong một thời gian nhất định thông qua một website thương mại. Với hình thức này, website thương mại, khách hàng, công ty bán sản phẩm đều có lợi. Khách hàng mua được hàng với giá rẻ; nhà cung cấp sản phẩm được quảng cáo, bán hàng với chi phí thấp; công ty bán hàng trực tuyến nhận được chiết khấu từ việc bán sản phẩm.
Ngay sau khi "nhập tịch" về Việt Nam, mô hình này nhanh chóng nảy nở. Các website hoạt động theo mô hình Groupon có những câu slogan rất "kêu" như: "Mua chung giá rẻ", "Càng đông càng rẻ", "Chung tay mua rẻ", "Phá giá tập thể"... Những lời mời chào này đánh đúng tâm lý "buôn có bạn, bán có phường" của người Việt, giảm bớt tâm lý e ngại của từng người về một loại sản phẩm/dịch vụ nào đó.
Trong bối cảnh lương tăng không kịp giá như hiện nay thì hình thức bán sỉ, giá rẻ này tạo ra sức hút lớn. Nghiên cứu mới đây của Nielsen (một công ty nghiên cứu thị trường) cho thấy, mức độ nhạy cảm với hàng khuyến mại của người Việt hiện cao nhất trong số các nước châu Á. Có đến 51% người tiêu dùng có thu nhập trung bình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết sẵn sàng mua nhiều nhãn hàng khác nhau trong dịp khuyến mại, sẵn sàng thay đổi nơi mua sắm tùy thuộc chương trình khuyến mãi nào có lợi nhất. Nhóm khách hàng bị tác động nhanh nhất, mạnh nhất đối bởi hình thức bán hàng này là giới công chức, nhân viên văn phòng, sinh viên... Nhiều chị em khi săn được một sản phẩm ưng ý đã lên các diễn đàn để kêu gọi các thành viên khác vào cùng mua sản phẩm; các bà mẹ hô hào con cái, bà con cô bác cùng mua. Chỉ sau hơn 1 năm xuất hiện, đến cuối năm 2011, cả nước đã có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán trực tuyến theo phương thức này. Trong đó, các "đại gia" như muachung.vn có hơn 100 nghìn thành viên, website hotdeal.vn có ngay 60.000 thành viên... Thậm chí, có đơn vị chỉ chuyên bán một sản phẩm là sách như Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây ở Hà Nội cũng lập hẳn một trang web là biblio.vn để bán hàng theo mô hình này.
Tuy nhiên, hình thức mua chung cũng gần với nhược điểm mua sắm theo "hội chứng đám đông" của người Việt. Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng nhiều người có thói quen mua sắm mang tính "bầy đàn", a dua, chạy theo số đông, thấy cái gì hay, mới là mua sắm theo phong trào. Không ít người có thu nhập vừa phải cũng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua xe gắn máy ngoại nhập, thay điện thoại di động đời mới… Vì vậy, trong trào lưu mua chung cần phân biệt giữa tính cấu kết cộng đồng để cùng hưởng lợi ích với hội chứng đám đông không cần thiết.
Thói quen "đi chợ" đã khác
Tính đến cuối năm 2011, số người sử dụng Internet tại Việt Nam lên đến con số hơn 31 triệu người, tỷ lệ sử dụng máy tính trong các gia đình ở các thành phố lớn luôn tăng mạnh là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của xu hướng mua sắm trực tuyến.
Thói quen mua hàng trực tiếp, "sờ tận tay, day tận mặt" của người Việt đã thay đổi, dần dần nhường chỗ cho cách thức mua sắm mới. Một thói quen thông thường nhất trong các gia đình ở thành phố hiện nay là, trước khi đi đến một quyết định mua sắm, người ta thường "dạo một vòng" trên Internet để xem hàng và khảo giá rồi mới quyết định đi đến chỗ mua hàng. Ở mức độ cao hơn, nhiều người đã quen với hình thức mua hàng và thanh toán trực tuyến (theo thống kê của Yahoo Việt Nam, tỷ lệ thanh toán qua chuyển khoản ATM năm 2011 đã đạt con số 18% và sẽ tiếp tục tăng). Thói quen, xu hướng mua sắm mới này diễn ra ở nhóm sản phẩm dịch vụ được chọn mua. Từ các sản phẩm đơn giản, có giá trị nhỏ như quyển sách, bộ quần áo đến các sản phẩm có giá trị như tủ lạnh, ti vi, máy vi tính... cũng đã được mua qua mạng.
PGS.TS. Lê Danh Vĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch. Thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua fax, bằng khoảng 0,5% thời gian giao dịch qua bưu điện; chi phí giao dịch qua Internet chỉ bằng 5% chi phí giao dịch qua fax hay qua bưu điện chuyển phát nhanh; chi phí thanh toán điện tử qua Internet chỉ bằng 10-20% chi phí thanh toán theo lối thông thường.
Nguồn Giadinhnet
Ý kiến bạn đọc