Multimedia Đọc Báo in

Về Tiền Giang thăm Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

17:55, 09/04/2011

Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có diện tích khoảng 0,5 ha, tọa lạc ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xây dựng khá khang trang theo lối kiến trúc truyền thống, cách Quốc lộ 1A 3,5 km về phía Đông.

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) trong một gia đình nông dân khá giả trong vùng. Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương tại Gia Định và được bổ làm Giáo Thọ, tức Đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông bỏ chức Giáo Thọ, từ biệt gia đình, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc.

Đầu năm 1862, giặc Pháp đánh úp. Ông bị bắt giải về Sài Gòn. Đích thân tên việt gian Đỗ Hữu Phương (tức Tổng đốc Phương) dùng mọi thủ đoạn mua chuộc. Ông từ chối và khôn khéo tìm cách trở lại hoạt động, liên kết với  nghĩa quân Trương Định khởi nghĩa. Tháng 6-1863, giặc phát hiện căn cứ hoạt động của ông tại Thuộc Nhiêu, Cai Lậy nên bao vây càn quét. Ông và Thiên Hộ Dương chạy thoát về căn cứ Bảy Núi. Dựa vào điều ước Nhâm Tuất (1862), Pháp gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Thiên Hộ Dương trốn thoát về căn cứ Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân bị bắt (lần hai), bị kết án 10 năm khổ sai và đày ra đảo Réunion. Sau 7 năm tù, chúng đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Hữu Phương, cử ông làm Giáo Thọ, dạy bảo “sinh đồ” ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía chúng. Nhưng ông đã lợi dụng điều kiện dạy học để liên lạc với các sĩ phu yêu nước chuẩn bị khởi nghĩa. Năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc, Đốc Binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân tại Chợ Gạo, đem giam tại Mỹ Tho (bị bắt lần 3). Ngày 19-5-1875, giặc đưa Nguyễn Hữu Huân về quê Mỹ Tịnh An hành quyết. Năm ấy ông được 45 tuổi.

Bàn thờ Thủ khoa Huân trong ngôi đền.
Bàn thờ Thủ khoa Huân trong ngôi đền.

Sau khi ông mất, để tỏ lòng tôn kính, nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m (nay là địa điểm Trường tiểu học Mỹ Tịnh An). Năm 1995, đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh mộ ông. Khuôn viên khu vực đền thờ được thiết kế như một công viên với các loại hoa kiểng đặc trưng của địa phương. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Giữa có bàn thờ, tượng đồng, lư hương và bằng công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia. Về ngôi mộ, lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1927, con cháu Thủ Khoa Huân và nhân dân địa phương xây dựng lại bằng đá xanh gồm hai phần: nấm mộ và bia mộ. Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu “Voi phục” vì trông giống như con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Nhân dịp  xây dựng đền thờ, mộ ông cũng được nâng lên, trùng tu lại nhưng vẫn giữ nguyên trạng như lúc ban đầu. Nền mộ là những tượng đá dày 30cm, rộng 40cm, dài 120cm ghép lại với nhau thành nền để đặt nấm mộ với diện tích phần nền bằng đá 4,042m2. Nấm mộ gồm 2 tảng đá xanh có hình dáng mô hai đầu cao 70cm, phần giữa lõm xuống cong như lưng voi, phía trước có hoa văn khắc ô chữ nhật xoáy vòng, phía sau hoa văn là những vòng gợn và uốn xoáy lại ở cuối đã được ghép bằng ximăng theo chiều dài. Bia mộ nối liền với nấm mộ gồm 3 phần: chân bia, thân bia và mái bia. Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm, ngang 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, ngang 38cm. Mái che giả ngói chia làm 8 rãnh, cuối đầu mỗi rãnh có chạm hoa sen, hai đầu chạm 2 con dơi quay mặt ra ngoài tư thế đang bay trông rất sinh động. Tại đây, các ngành chức năng đã thành lập Ban bảo vệ đền thờ, hằng ngày có người trông nom, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan. Hằng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ giỗ Thủ Khoa Huân vào trung tuần tháng 4 âm lịch. Tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng một tượng đài lớn để tưởng niệm Nguyễn Hữu Huân trong công viên Lạc Hồng cạnh sông Tiền, ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho.

 

Lê Quang Huy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.