Phú Quốc - Đảo ngọc
Từ Bến cảng Rạch Giá - Kiên Giang, tàu cao tốc chạy hơn hai tiếng đồng hồ là đến Bãi Vòng-Phú Quốc. Bất kỳ ai khi đặt chân đến Phú Quốc đều có cảm giác đây là hòn Đảo ngọc nằm giữa vùng biển phía Tây mênh mông của Tổ quốc, bởi những cánh rừng nguyên sinh trên huyện đảo này được bảo vệ và gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Màu xanh bạt ngàn của rừng và lồng lộng gió của biển đã ban tặng cho Phú Quốc khí hậu mát mẻ quanh năm, và đó là điều kiện lý tưởng để thu hút ngày càng nhiều du khách đến đây tham quan và nghỉ dưỡng.
Ý tưởng biến Phú Quốc thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương hiện đại có tầm cỡ khu vực và quốc tế càng trở nên hiện thực hơn khi ngày 11-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 633 cho phép huyện đảo này có cơ chế đặc thù trong việc quy hoạch, mời gọi và thu hút đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu trên. Sự quan tâm này của Chính phủ đã mở đường cho hàng loạt hạng mục, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng được đầu tư, khiến huyện đảo như một “đại công trường” sôi động và nhộn nhịp ngày đêm.
Một góc Trung tâm thị trấn Dương Đông - huyện lỵ của huyện đảo Phú Quốc. |
Bí thư huyện đảo Phú Quốc - Văn Hà Phong khái quát sơ bộ: Đường trục chính Nam - Bắc xuyên đảo Phú Quốc có tổng chiều dài hơn 51 km, từ Hàm Ninh đến An Thới hiện đang chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là con đường huyết mạch, lấy trung tâm huyện lỵ Dương Đông làm tâm điểm nối kết với 11 xã, thị trấn trên quần đảo, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương thuận lợi. Cũng từ đây, các tuyến đường xương cá dẫn đến các cảng biển như Bãi Vòng, Vịnh Đầm, An Thới… sẽ được xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới, tạo điều kiện cho Phú Quốc mở rộng hoạt động du lịch, dịch vụ đưa đón du khách đến đây từ đất liền theo nhiều hướng: Đông-Bắc, Tây Nam. Con đường bao quanh đảo Phú Quốc dài hơn 100 km đang được san ủi mặt bằng và dự kiến sẽ được nhựa hóa vào năm 2015, vừa có vai trò bảo đảm vấn đề an ninh-quốc phòng trên đảo, vừa góp phần mở rộng không gian du lịch biển (với các hoạt động bơi lặn, dù lượn, lướt sóng…) nhằm phục vụ du khách khi đến tham quan Phú Quốc.
Ông Văn Hà Phong cho biết thêm: hình hài Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và giao thương quốc tế của quần đảo này càng hiện rõ sinh động hơn khi Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ. Đến nay, các hạng mục: đường cất cánh, hạ cánh, sân đỗ máy bay; nhà ga hành khách và trung tâm quản lý bay đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Cùng với các cảng biển, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ là cơ sở hạ tầng quan trọng và thiết yếu để đưa đảo gần hơn với đất liền. Bên cạnh đó, dự án cấp điện cho Phú Quốc bằng cáp ngầm 110 KV xuyên biển từ thị xã Hà Tiên kéo về cũng đã được khảo sát, phê duyệt và đang tiến hành thực hiện; dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều công trình khác như cấp thoát nước, xử lý rác thải… hiện đang được triển khai thi công, góp phần nhanh chóng đưa Phú Quốc phát triển vượt bậc vào năm 2020 với các chỉ số kinh tế-xã hội: quy mô dân số khoảng 55 vạn người; thu hút khách du lịch từ 5-7 triệu lượt người/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 45-50%. Đưa nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn huyện đảo từ 26-27%/năm như hiện nay lên 34-35% vào năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề mà Phú Quốc quan tâm nhất hiện nay là thu hút nguồn vốn đầu tư. Theo ông Bí thư huyện ủy Phú Quốc: để thực hiện mục tiêu đặt ra như Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo này phải cần nguồn đầu tư khá lớn: 2- 3 trăm nghìn tỷ đồng. Vì thế Phú Quốc cần sự quan tâm đầu tư to lớn và dài hơi hơn của Chính phủ, cũng như các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước và quốc tế.
Để đón nhận nguồn lực đầu tư ấy, Phú Quốc đã sẵn sàng mở cửa đón nhận các nhà đầu tư có thiện chí và tâm huyết đến đây bằng nhiều chính sách ưu tiên mà chính quyền tỉnh Kiên Giang và Chính phủ cho phép. Trong đó vấn đề cơ bản nhất là “mặt bằng sạch” đã được các cấp thẩm quyền ở Phú Quốc phê duyệt, quy hoạch chi tiết với tỷ lệ an toàn 1/500 để bàn giao cho đối tác. Được biết, đến nay Phú Quốc đã đưa gần 800 ha đất vào quy hoạch chi tiết, trong đó đất dành cho phát triển du lịch gần 500 ha. Nhờ làm tốt công tác này nên ngoài 94 cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch khá bề thế và khang trang đã được xây dựng tại thị trấn Dương Đông, An Thới, Thổ Châu, hiện nay trên trục đường chính Nam - Bắc đã có hơn 20 dự án du lịch được đầu tư, triển khai, trong đó nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Các khu đô thị cảng biển như Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn và Khu phức hợp thương mại vui chơi, giải trí (có dịch vụ casino) tại xã Bãi Thơm cũng đang được quy hoạch, phân khu với tỷ lệ 1/2000 nhằm mời gọi đầu tư. Những khu đô thị cảng biển và thương mại này sẽ là những điểm nhấn cho Phú Quốc trong tương lai giống như một “Singapore của Việt Nam” trên biển Tây tổ quốc.
Có điều rất khác ở Phú Quốc trong quy hoạch và phát triển là vẫn ưu tiên việc giữ lại diện tích rừng trên 37.000 ha. Chính điều này giúp cho đảo có một vùng sinh thái gồm rừng, sông suối và thác nước tự nhiên được bảo vệ, gìn giữ nghiêm ngặt; đem lại cho Phú Quốc đặc thù riêng mà các đô thị hiện đại ngày nay trên thế giới không dễ gì có được. Phú Quốc hôm nay – Đảo Ngọc ngày mai đang dần hiện hữu.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc