Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam định hướng chiến lược về đa dạng sinh học

08:56, 25/09/2013
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo “Giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và góp ý dự thảo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
 
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, đa dạng sinh học là nền tảng của nền kinh tế xanh, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đang tạo ra các nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên cũng như sử dụng đất trái phép. Bên cạnh đó, trong bối cảnh là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần; số loài và cá thể của các loài hoang dã suy giảm mạnh. “Trước bối cảnh như vậy, Chiến lược là văn bản định hướng tổng thể và toàn diện về bảo vệ đa dạng sinh học để các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái trong tự nhiên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh bền vững của đất nước,” Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.
 
Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 là nâng cao chất lượng và tăng cường diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm: Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24%, độ che phủ rừng đạt 45%, rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả… Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đưa ra các chỉ tiêu như: Diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô cần được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN. Tiếp đến, năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể là tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực; đẩy mạnh lồng ghép nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách…
 
Tại hội thảo, các ý kiến của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước đều nhất quán với mục tiêu Chiến lược đề ra và xem đây là một trong những chính sách quan trọng nhất cho những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, để ngăn chặn suy giảm các loài và góp phần phục hồi một số loài quý hiếm đang bị đe dọa.

Theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật, 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm năm 1992. Hiện có tới 9 loài động ỵevk vật được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam như tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao, cá chép gốc, cá chình Nhật, lan hài Việt Nam...

Theo Vietnamplus

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.