Áp lực giữ rừng ở những vườn quốc gia
Là “mái nhà” lý tưởng cho các loài động, thực vật cư ngụ, nhưng những năm gần đây, các Vườn quốc gia luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nạn phá rừng ngày một khoét sâu vào vùng lõi.
Áp lực giữ rừng càng đè nặng lên vai những nhân viên kiểm lâm của các VQG trước việc quy hoạch, cấp phép tràn lan các dự án thủy điện. |
Chư Yang Sin có độ cao trên 2.440m, là một trong những dãy núi cao nhất tỉnh. Nơi đây là những khu rừng nguyên sinh cổ xưa của Việt Nam đa dạng hệ động, thực vật với 470 loài, trong đó 23/72 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam, 9 loài trong sách đỏ thế giới, 3 loài đặc hữu Đông Dương. Được ví như một “bảo tàng sống” của thiên nhiên, nhưng VQG Chư Yang Sin đang chịu nhiều áp lực khi vấn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn ra ngày một nhức nhối. Thêm vào đó là có những dự án thủy điện, lăm le len lỏi vào tận trong vùng lõi của Vườn, nơi được xem là vùng rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc VQG Chư Yang Sin tỏ ra lo lắng, khi trong lâm phần quản lý của Vườn và vùng lân cận hiện có ba nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện Krông Kmar, công suất 11MW đã đi vào hoạt động, chiếm hơn 100ha rừng của Vườn; dưới thủy điện Krông Kmar, ngay trong khuôn viên khu du lịch thác Krông Kmar là một nhà máy thủy điện khác với công suất 0,2MW (do Công ty TNHH Phúc Vinh làm chủ đầu tư) đang được xây dựng. Ở phía Nam VQG Chư Yang Sin giáp huyện Lak là thủy điện Krông Nô 2 (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, TP.HCM) đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 18ha rừng tại tiểu khu 1418 và 1419 VQG Chư Yang Sin để xây dựng nhà máy... Mới đây, dự án thủy điện Ea K’tuor chỉ 5MW lăm le vào tận vùng lõi của Vườn. Dù đã tạm yên tâm khi UBND tỉnh nói “không” với thủy điện này, nhưng những dự án kiểu như Ea K’tuor vẫn luôn là mối đe dọa của nhiều vườn quốc gia chứ không riêng gì Chư Yang Sin.
Trong khi các ngành chức năng ra sức triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, thì VQG - những khu rừng giàu tài nguyên lại đang phải chịu quá nhiều áp lực từ những dự án phá rừng hợp pháp của thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch và xây dựng tràn lan như hiện nay. Những năm gần đây, VQG Yok Đôn luôn đối mặt với tình trạng lâm tặc hoành hành ngày một liều lĩnh, tinh vi, giờ thêm Thủy điện Đrang Phốk nhăm nhe thọc sâu vào tận tim Vườn cũng đồng nghĩa với “cuộc chiến” giữ rừng nơi đây sẽ càng cam go, phức tạp hơn. Chưa kể những “kẽ hở” mà thủy điện tạo điều kiện cho lâm tặc tiếp cận dễ dàng hơn với rừng, điều đáng nói là liệu việc đổi rừng lấy thủy điện này có đáng không khi chỉ với 26 MW mà mất đến 60 ha rừng đặc dụng, trong đó có gần 7ha rừng giàu trữ lượng gỗ, bao gồm các loài cây chủ yếu như bằng lăng, chiêu liêu đen, căm xe, bình linh, chòi mòi, giáng hương... Đến mức, vị giám đốc Vườn Quốc gia này phải lên tiếng sẽ từ chức nếu dự án thủy điện này triển khai xây dựng.
Bài học về đầu tư, xây dựng nhiều công trình thủy điện vẫn luôn mới khi lợi ích của thủy điện đối với người dân chưa thấy đâu mà hậu quả của nó lại đè lên cộng đồng dân cư đã rõ mười mươi: tài nguyên rừng mất vĩnh viễn, lũ lụt ngày càng nguy hiểm, cuộc sống của người dân bị đe dọa, hệ sinh thái bị tàn phá… Điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là trong khi nhiều chủ đầu tư đang phải “tháo chạy” khỏi các dự án thủy điện vừa và nhỏ vì không mang lại hiệu quả như mong muốn, thì vì cớ gì không ít người khác lại đang muốn “mở mới” những dự án thủy điện ở trong các VQG? Khó hiểu hơn là các cơ quan chức năng liên quan… lẽ ra phải là nơi “gác cửa”, giữ gìn tài nguyên quốc gia, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân thì lại dễ dãi cho phép xây dựng những công trình thủy điện gây nhiều tổn hại đối với rừng?! Báo cáo của Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện trong giai đoạn 2006-2012 cho thấy: để triển khai được 160 dự án thủy điện, thì diện tích rừng phải mất đi gần 20.000ha, trung bình mất 125 ha cho mỗi dự án. Nhưng có lẽ đó chỉ là con số thống kê được công bố trong thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì sẽ không ai có thể thống kê, đo đếm được.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc