Multimedia Đọc Báo in

Tận dụng khí sinh học trong chăn nuôi: Lợi đủ đường

14:26, 11/06/2014

Phong trào chăn nuôi ngày càng phát triển, đặc biệt là chăn nuôi bán chuyên nghiệp từ các hộ gia đình đã kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm được đưa ra, trong đó mô hình khí sinh học biogas là một điển hình.

Gia đình ông Đình Tâm – tổ 9, khối 5, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột đã sử dụng khí sinh học được hơn 10 năm, kể từ khi dự án khí sinh học của thành phố được triển khai năm 2003. Ông Tâm cho biết, bình thường gia đình ông nuôi khoảng 3 con heo mẹ và trên dưới 20 con heo thịt, lượng phân thải ra hằng ngày tương đối nhiều. Trước đây, khi chưa sử dụng mô hình khí biogas, lượng chất thải này được thải tự do ra ngoài môi trường. Ông Tâm đã phải đào hố rộng 2m2 nhưng chỉ được vài ngày là hố lại đầy, rất mất vệ sinh. Những hộ dân xung quanh liên tục góp ý vì mùi hôi thối nồng nặc, nhưng bản thân ông không biết phải làm gì để vừa không ô nhiễm mà vẫn duy trì được chăn nuôi. Thật may, đúng lúc ấy ông được nghe phổ biến về kỹ thuật xây dựng hầm biogas thủ công, nên  quyết định đầu tư khoảng 10 triệu đồng làm hầm, và thu được kết quả không ngờ: Lượng khí gas đủ để đun nấu thoải mái, so với sử dụng gas công nghiệp và các nhiên liệu khác, gia đình ông tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng mỗi năm. Nguồn chất thải đọng dưới hầm được ông dùng bón cho cây trồng cũng rất xanh tốt. 

Sử dụng hầm biogas sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.
Sử dụng hầm biogas sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

Tương tự, gia đình ông Trương Công Sầu, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cũng tích cực tham gia chương trình khí sinh học trong chăn nuôi. Năm 2013, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh có dự án xây dựng hệ thống biogas, gia đình ông được hỗ trợ 1,2 triệu đồng, ông bỏ thêm 7 triệu để xây dựng hệ thống hầm biogas. Sau 1 năm sử dụng, gia đình ông có khí ga đun nấu thoải mái; đồng thời còn san sẻ cho hàng xóm dùng “ké”. Cho đến nay, không chỉ gia đình ông Tâm, ông Sầu mà hầu hết các hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ đến trang trại trên địa bàn thành phố đều đầu tư, sử dụng mô hình khí sinh học, với 1.890 công trình biogas, trong đó có 844 công trình được dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi” hỗ trợ, còn lại là do người dân chủ động xây dựng

Ông Ngô Viết Tân – Phó trưởng Phòng Chăn nuôi - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: việc sử dụng mô hình khí sinh học trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội. Nó không chỉ cung cấp lượng khí đốt sinh học sạch cho người dân, mà còn tạo nguồn chất thải dinh dưỡng cao làm phân bón cho cây trồng, tăng cường độ màu mỡ bền vững cho đất. Cũng từ mô hình này, cuộc sống nông dân được cải thiện hơn, cộng đồng dân cư nông thôn không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi, theo đó, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cũng được hạn chế tối đa, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.

 Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc