Multimedia Đọc Báo in

Một gia đình khó khăn vì bệnh tật cần được giúp đỡ

20:07, 08/04/2017
Vốn là thợ cơ khí, đang chăm lo làm ăn thì anh Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1980, ngụ tại tổ 8, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) bất ngờ phát hiện ra bệnh tiểu đường đã vào giai đoạn biến chứng và lao màng phổi.

3 năm nay, anh Tuấn phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt tối thiểu đều nhờ vào người khác. Vợ anh, chị Hồ Thị Chánh (sinh năm 1982) vừa phải chăm bệnh cho chồng, vừa phải gồng mình lo kiếm cái ăn cho cả gia đình.

Gia đình anh thuộc hộ cận nghèo lại không có đất canh tác. Chị Chánh ra sức làm lụng, ai kêu gì làm nấy, từ phụ hồ đến đào hố, tưới cà phê thuê để kiếm tiền mua gạo. Một ngày đi làm chỉ được 150.000 đồng, chị phải dành gần 2/3 số tiền đó để lo thuốc thang cho anh, còn lại thì lo tiền học cho con nên nhiều hôm bị đứt bữa là chuyện thường. Từ ngày anh ngã bệnh, hai đứa con anh học lớp 8 và lớp 4 rất ngoan hiền, học giỏi nay đang có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Đã khó càng thêm  khó,  những danh mục thuốc của anh không nằm trong diện được bảo hiểm y tế; để có tiền mua thuốc cho chồng, chị phải bán chiếc máy may cũ chỉ đáng vài trăm nghìn đồng. Bệnh nặng, bác sĩ bệnh viện huyện yêu cầu phải chuyển viện tuyến tỉnh để điều trị nhưng do khó khăn về chi phí nên chị đành mang chồng trở về nhà.

Trong tình cảnh này, chị Chánh thiết tha mong nhận được sự chung tay, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để có tiền chạy chữa cho chồng, mấy đứa con được tiếp tục đến trường. Mọi sự giúp đỡ xin chuyển về địa chỉ: Quỹ tấm lòng Vàng, Báo Đắk Lắk, số 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột hoặc chị Hồ Thị Chánh, tổ 8, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, số điện thoại: 0918 943 379.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.