Multimedia Đọc Báo in

Người trưởng thôn làm kinh tế giỏi

15:57, 14/04/2010

Năm 1996, gia đình anh Lê Ngọc Hứa từ quê Thanh Hà (Hải Dương) vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Ea Pil (M’Drak). Thời gian đầu, còn lạ lẫm trên quê hương mới, vốn liếng không có, khí hậu lại khắc nghiệt khiến ốm đau triền miên, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Không cam chịu đói nghèo, anh Hứa động viên vợ con tập trung vào khai hoang đất để trồng lúa nước, bắp, mì và chăn nuôi heo, gà…

 

Tuy nhiên, do chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt,  lại chưa nắm được quy luật của khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng trên vùng đất mới nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, anh được Hội Nông dân xã Ea Pil cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời tín chấp ngân hàng cho vay vốn đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, 5 năm sau, gia đình anh đã có 6 ha đất trồng mía, lúa, đậu và mì khá hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được, anh Hứa tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư vào trồng mía, trồng rừng và chăn nuôi bò, mở đại lý vật tư nông nghiệp và đứng ra ký hợp đồng với các nhà máy mía để cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm cho gia đình và nhiều bà con trong thôn. Đến năm 2009, gia đình anh Hứa có trên 40 ha đất canh tác; trong đó có 28 ha trồng keo lai năm thứ 3, 12 ha mía, còn lại là mì, đậu và bắp; chăn nuôi hàng chục con heo, bò và hàng trăm con gà vịt. Với nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm, anh đã xây nhà kiên cố, khang trang và đầy đủ tiện nghi; nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn (3/4 người con của anh đang học đại học).
Năm 2006, anh Hứa vinh dự được bà con thôn 1 tín nhiệm bầu làm thôn trưởng; lúc đó toàn thôn có 153 hộ thì trên 30% là hộ đói, nghèo. Anh đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Anh còn chủ động hỗ trợ bà con vốn đầu tư trồng mía, cho mượn đất canh tác và trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân trong thôn. Anh cũng giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/ tháng. Nhờ vậy, năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm từ 43 hộ xuống còn  21 hộ, hàng chục hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm; thôn 1 cũng đạt danh hiệu thôn văn hóa nhiều năm liên tục.
Gia đình anh Lê Ngọc Hứa đã được bình chọn là một trong 5 hộ tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước huyện M’Drak giai đoạn 2005-2009.

 
Tiến Ninh
 

 


Ý kiến bạn đọc