Multimedia Đọc Báo in

Người đảng viên nặng lòng với nhân dân

08:59, 10/04/2010

Hơn 60 năm tuổi Đảng, 83 tuổi đời, cụ ông Trần Xuân Hứa (thôn Giang Phú, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) đã suốt đời không ngừng cống hiến cho quê hương, đất nước, cho mảnh đất Tam Giang trên Tây Nguyên này.

Là người lính thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 35, đơn vị chủ lực Bình Trị Thiên, trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Xuân Hứa đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và bắn rơi máy bay Mỹ.
Khi trở về địa phương, ông được dân tin yêu bầu làm Chủ tịch xã Phong An, Hương Điền, Bình Trị Thiên (nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Đến năm 1979, Đảng và Nhà nước phát động người dân đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên, ông đã tiên phong vào mặt trận mới “Cuộc chiến xây dựng Tổ quốc, cuộc chiến chống đói nghèo”. Sự khắc nghiệt, gian khổ của vùng đất mới đã làm hàng trăm người phải bỏ đi trong số hơn 5.000 người dân của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) vào đây, nhưng người thanh niên xung phong này vẫn quyết bám trụ khai hoang dù đất khô cằn sỏi đá. Bản chất anh bộ đội Cụ Hồ đã ngấm vào máu thịt, ông vận động bà con tiếp tục ở lại, không trồng được lúa thì ta trồng ngô, trồng khoai. Người không phụ đất, đất không phụ người, sự kiên trì đã được đền đáp khi những mảnh đất cằn này ngập mênh mông trong nước. Những giọt mồ hôi hòa cùng những giọt nước mắt vui mừng của mấy nghìn người dân đã làm những cánh rừng rậm trở thành thửa ruộng ngô, khoai, lúa,… xanh tốt.
Sự nhiệt tình, tâm huyết của ông đã khiến người dân Tam Giang tin yêu, bầu ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Tam Giang 4, vị trí tiền tiêu cửa ngõ vào xã, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch của xã trong những ngày khó khăn phức tạp sau giải phóng. Mấy năm sau, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, rồi làm Chủ tịch UBND xã Tam Giang.
Trên cương vị mới, ông lại trăn trở với cuộc sống đã có cái ăn, cái mặc vẫn chưa đủ, cần phải làm thế nào đó để người dân sống trên mảnh đất mới ổn định, bám làng; không bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục bỏ làng ra đi. Sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, ban ngày ông cùng các thanh niên tham gia cải tạo đất, chăm lo sản xuất để ổn định đời sống kinh tế; đêm về, ông đến từng nhà những người sinh sống ở đây từ trước năm 1975 để tuyên truyền, vận động họ làm ăn, tin tưởng vào Đảng, chính quyền cách mạng. Với sự kiên trì không biết mệt mỏi và những đóng góp to lớn của mình, ông đã vận động thành công tất cả mọi người dân trên mảnh đất này sống hòa thuận, xem nhau như anh em một nhà để xây dựng xã Tam Giang ngày một phát triển. Từ một vùng đất khô cằn, không điện, đường, trường, trạm,… Tam Giang nay đã khởi sắc với những cơ sở vật chất khang trang như trường học, trạm xá, chợ, điện phủ khắp thôn xóm, nhà nhà có ti vi, xe máy, có của ăn của để,...
Nghỉ hưu, ông vẫn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư chi bộ thôn Tam Hòa, Chi hội trưởng Người cao tuổi,… Ông tâm sự: Nhờ Đảng và Nhà nước mà gia đình tôi có được ngày hôm nay các con của vợ chồng tôi đều đã trưởng thành; 2 người con là bác sĩ, 4 người đã có công việc làm ổn định và cuộc sống khá giả…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc