Multimedia Đọc Báo in

Triệu phú trẻ dưới chân dãy Cư Yang Sin

17:32, 01/04/2011

Lập nghiệp dưới chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, anh Nguyễn Tấn Danh Nhân ở buôn Tơng Rang, xã Cư Drăm (Krông Bông) đang sở hữu một trang trại có 30 con nhím giống, 22 con chồn lớn nhỏ trị giá hàng trăm triệu đồng. Kinh tế trang trại đã giúp anh trở thành triệu phú lập nghiệp, là tấm gương điển hình cho thanh niên nơi đây.

Là con cả trong gia đình đông anh em, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn Danh Nhân mong muốn sớm tìm được một công việc ổn định. Nhân đã học nghề hớt tóc, vừa làm nghề phụ giúp gia đình. Năm 2001, anh quyết định rời quê hương đến vùng đất Cư Drăm (Krông Bông) lập nghiệp. Những ngày đầu, Nhân gặp không ít khó khăn với cái nghề hớt tóc ở một xã vùng sâu vùng xa, nhưng anh đã vượt qua với quyết tâm lập nghiệp và sức trẻ.

Anh Nguyễn Tấn Danh Nhân bên mô hình nuôi nhím của mình.
 
Năm 2007, Nguyễn Tấn Danh Nhân đã quyết định đầu tư vào nuôi nhím. Ban đầu, với đồng vốn ít ỏi nên anh chỉ mua được 2 cặp nhím giống với số tiền là 6 triệu đồng/cặp, sau một năm kết quả đạt tốt, anh triển khai mở rộng trang trại nuôi nhím thịt và nhím giống. Nhiều hộ gia đình đến tham quan và mua giống đều được anh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nhím. “Cái duyên gắn với con nhím thật tình cờ và thuận buồm xuôi gió” anh Nhân kể. Sau 2 năm, Nhân mạnh dạn nuôi thêm chồn rừng. Cũng như năm đầu khởi nghiệp, anh chỉ dám nuôi vài cặp giống, sinh sản được bao nhiêu anh để nuôi hết. Sau hơn một năm mày mò, tìm tòi, học hỏi cách nuôi và chăm sóc, Nhân đã có trong tay 22 con chồn. Hằng ngày anh đặt mua cà phê quả chín đều với giá 10.000 đồng/kg để làm thức ăn cho chồn và thu lại hạt cà phê trong phân chồn thải ra. Với giá cà phê chồn trên thị trường là 500.000 đồng/kg, năm 2010 anh thu được trên 50 kg cà phê chồn, đạt thu nhập 25 triệu đồng. Theo anh Nhân, đầu tư nuôi nhím và chồn thịt chỉ tốn kém ban đầu, riêng loài nhím thức ăn rất dễ kiếm vì loài nhím là loại ăn tạp, đầu ra lại rất dễ dàng bởi nguồn cung thịt nhím hiện không đủ cung cấp cho các nhà hàng.

Chỉ sau vài năm, thu nhập từ nuôi nhím và chồn đã biến Nguyễn Tấn Danh Nhân từ người thợ cắt tóc, làm bánh kem thành ông chủ trẻ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Hiện tại trang trại của Nhân có 5 lao động là thanh niên với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên anh vẫn mong muốn được các cấp chính quyền tạo điều kiện mở rộng trang trại, nuôi thêm một số loài vật khác và tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn hơn. Hy vọng, trong tương lai vùng căn cứ Cư Drăm sẽ có nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm như Nguyễn Tấn Danh Nhân.

 

Thanh Hải

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.