Multimedia Đọc Báo in

Nữ y sĩ trẻ tâm huyết với nghề

07:21, 09/07/2012

Năm 2002, tốt nghiệp ngành Y sĩ đa khoa, Trường Trung cấp Y tế Hà Tây, cô gái trẻ Phạm Thị Sự đã công tác tại nhiều phòng khám tư tại quê hương Phú Xuyên (Hà Nội). Bốn năm sau đó, bằng tất cả tình yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, chị Sự tình nguyện vào Dak Lak với mong muốn sẽ giúp được bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh. 

Chị được nhận về công tác tại Trạm Y tế xã Ea Rbin (huyện Lak) nơi mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại khó khăn… Ngày chị Sự mới đến công tác, Trạm y tế xã còn rất đơn sơ, cuộc sống của đội ngũ cán bộ y tế còn nhiều thiếu thốn, đối với một cô gái miền xuôi lên miền ngược công tác lại càng khó khăn trăm bề.

        Chị Sự đến tận nhà thăm khám cho bệnh nhân.
Chị Sự đến tận nhà thăm khám cho bệnh nhân.

Trong khó khăn chung, chị Sự cùng với anh, chị em cán bộ y tế lấy sự nỗ lực và lòng nhiệt tình với nghề bù đắp phần nào những thiếu thốn của một trạm y tế cơ sở. Với lòng yêu nghề và sự nỗ lực hết mình, chị đã cùng với các cán bộ y tế trong trạm luôn tận tình trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Mỗi khi có bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, chị Sự cảm thấy rất vui và càng nhận ra việc mình làm có ý nghĩa. Và cũng chính sự tin yêu, quý mến của bà con trong vùng càng khiến chị say mê nghề hơn, tạo động lực cho chị bám trụ lại miền đất mới. Ngoài công tác khám chữa bệnh tại trạm, chị còn thường xuyên lặn lội xuống từng thôn, buôn tham gia vận động nhân dân thực hiện các chương trình y tế quốc gia như: phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Chị đến tận nơi tận tình thăm hỏi động viên, khám chữa bệnh cho những người già yếu đau ốm, người tàn tật, các trường hợp bị mắc bệnh mà không thể lên trạm khám bệnh. Chị tâm sự: “Tôi luôn xem những người bệnh như chính những người thân của mình, điều đó làm tôi luôn gần gũi, đồng cảm và chia sẻ những nỗi đau của người bệnh, mong giúp một phần nhỏ giúp người bệnh vượt qua bệnh tật. Càng đi, càng đến với bà con những vùng xa xôi, hẻo lánh, tôi càng thấu hiểu những khó khăn của bà con để rồi quý trọng hơn, tâm huyết hơn và càng thêm yêu công việc của những người “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng”.

Không chỉ phấn đấu làm tốt công việc, chị Sự còn không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2009, chị được tín nhiệm làm Trạm phó Trạm Y tế xã Ea Rbin. Với cương vị là một phó trạm, chị luôn nỗ lực cùng với đội ngũ cán bộ y bác sĩ trong đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, trong những năm qua, Trạm Y tế xã Ea Rbin luôn hoàn thành tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, trong thời gian qua nữ y sĩ trẻ Phạm Thị Sự luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; năm 2011, chị được UBND huyện Lak khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “10 năm thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2011”.

Lê Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.