Multimedia Đọc Báo in

Tin ở ngày mai

15:14, 14/07/2014

Tại kỳ thi đại học đợt 1 năm 2014, hình ảnh nhỏ nhắn của Kim Huệ và Ngọc Huyền (Hội đồng thi Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak) khiến nhiều thí sinh, giám thị và phụ huynh nể phục. Khiếm khuyết về hình thể nhưng các em vẫn mạnh mẽ về tinh thần, luôn nỗ lực học hành, lạc quan, yêu đời.

Do bị xuất huyết màng não từ khi 2 tháng tuổi nên đến nay, Đỗ Thị Kim Huệ (sinh năm 1994) ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin chỉ cao 1,3m, nặng 35 kg. Kim Huệ cho biết, vì bệnh tật mà em phải học trễ hơn bạn bè 2 năm. Tới năm lớp 2, Kim Huệ mới chập chững biết đi. Thương con hiếu học, cả gia đình luôn lo lắng, yêu thương và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Huệ đến lớp. Những năm học cấp I, cấp II, Kim Huệ phải nhờ người thân đưa đón mỗi ngày. Lên cấp III, Trường THPT Y Jút cách nhà gần 15 km nên Kim Huệ phải ở trọ để tiện việc học hành. Thể trạng ốm yếu nên em hay bị ngã quỵ, ngất xỉu. “Nhiều lúc em thấy mệt mỏi và tự ti lắm, nhưng nếu gục ngã thì em đã vô tình phụ lòng tin tưởng của gia đình, bạn bè. Giờ em chỉ còn cách học chăm chỉ để đền đáp công nuôi dưỡng, yêu thương của bố mẹ.” – Kim Huệ nghẹn lời.
Kim Huệ (người đi đầu tiên) tự tin dự thi đại học cùng bè bạn.
Kim Huệ (người đi đầu tiên) tự tin dự thi đại học cùng bè bạn.

Mặc dù bố mẹ làm nông, gia cảnh còn khó khăn nhưng 7 anh chị em của Kim Huệ đều được đi học đầy đủ - đó cũng là động lực để Kim Huệ cố gắng mỗi ngày. Lần này lên phố dự thi, do nhà ở cách địa điểm thi gần 35km, sức khỏe không được tốt nên em lên phố ở trọ với người quen. Dự thi ngành Kế toán, Trường Đại học Tây Nguyên, Kim Huệ lạc quan khi nói về dự định tương lai: “Em vẫn muốn được đi học tiếp, nếu không đỗ đại học, em sẽ chọn một trường cao đẳng hoặc trung cấp để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình”. Cũng như Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (sinh năm 1996) ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột khiến nhiều người phải cảm phục tinh thần vượt khó, ham học của em. Ngọc Huyền là chị cả trong gia đình, lúc sinh ra đã bị dị tật, đến nay em chỉ cao 1,2m, nặng 40 kg. Vì cơ thể phát triển không bình thường nên em thường xuyên gặp rắc rối, khó khăn trong học tập cũng như sinh hoạt thường ngày. Nhờ sự động viên, chăm lo của gia đình, em có thêm nghị lực vượt khó. Em cho biết, ngày mới đi học, em bị một số bạn bè trêu chọc, khiến đôi lúc thấy tự ti, nản chí. Thế nhưng khi quen lớp, quen trường em lại nhận được rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ từ thầy cô, bạn bè. “Bố mẹ vì em mà vất vả nhiều rồi, giờ em phải cố gắng học tốt, kiếm việc làm để bớt phần gánh nặng cho gia đình”. – Ngọc Huyền thủ thỉ. Năm nay, Ngọc Huyền đăng ký dự thi đại học đợt 1 ngành Công nghệ thông tin và đợt 2 ngành Y đa khoa của Trường Đại học Tây Nguyên. Em cho biết: 2 ngành học đó em cực kỳ yêu thích và sẽ cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ gần nhất, đó là vào giảng đường Đại học.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.