Multimedia Đọc Báo in

Những đảng viên trẻ học tập và làm theo lời Bác

06:04, 31/05/2015

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều đảng viên trẻ đã không ngừng học hỏi, chủ động, sáng tạo trong chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ nhân của những sáng kiến trong ngành điện

Ông Lê Đức Tâm, Phó Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột (người đứng bên trái) đang phân công nhiệm vụ cho một  tổ công nhân.
Ông Lê Đức Tâm, Phó Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột (người đứng bên trái) đang phân công nhiệm vụ cho một tổ công nhân.

Gặp anh Lê Đức Tâm, Phó Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột trong đợt sửa chữa điện giúp người dân nghèo ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột vừa qua mới cảm nhận được sự nhiệt tình và trách nhiệm của người đảng viên trẻ này. Không chỉ năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào, anh Tâm còn là chủ nhân của nhiều sáng kiến hay giúp ích cho công tác chuyên môn tại đơn vị như: Giải pháp chống rắn bò gây sự cố trên lưới điện trung áp; thay đổi phương án đấu nối đường dây trên không sang mương cáp ngầm bảo đảm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện khu vực TP. Buôn Ma Thuột; sáng kiến các aptomat dự án Đức hợp bộ hư hỏng đã vận hành trên 10 năm không sửa chữa được và không có chủng loại thay thế, giúp tiết kiệm 15 triệu đồng/trạm. Anh Tâm cho biết, trong số những sáng kiến ấy, anh tâm đắc nhất với sáng kiến “Giải pháp chống rắn bò”. Xuất phát từ việc rắn thường chui vào các trụ điện để làm tổ và sinh sản trong mùa mưa dẫn đến chập cháy điện gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện, nhiều giải pháp đã được Công ty Điện lực Dak Lak đưa ra để khắc phục, nhưng chi phí thực hiện vẫn cao. Sau một thời gian dài suy nghĩ, anh Tâm đã nảy ra sáng kiến lấy những khoanh tre đóng kín phần cách đỉnh trụ điện 1m để rắn không thể chui lên làm tổ. Cách làm đơn giản, hiệu quả mà ít tốn chi phí đó của anh Tâm đã nhanh chóng được đưa vào áp dụng trong ngành điện và giải quyết triệt để tình trạng rắn bò gây sự cố điện tại nhiều địa phương. Anh Tâm tâm sự: “Thực hiện lời Bác dạy “Thanh niên phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”, tôi luôn cố gắng tìm tòi, trau dồi tri thức, sáng tạo để góp phần mang đến cho người sử dụng điện sản phẩm an toàn, chất lượng và uy tín”.

Người cán bộ tín dụng sáng tạo

IMG_9945 (2).jpg
Đảng viên trẻ Đỗ Quang Minh, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Dak Lak luôn say mê, nghiên cứu, sáng tạo trong công việc.

Từ năm 2012 trở về trước, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ ngân hàng chưa đạt hiệu quả, dẫn đến việc tổng hợp dữ liệu của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, đảng viên trẻ Đỗ Quang Minh, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã sáng tạo ra phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ tín dụng, kế toán ngân hàng. Những phần mềm viết riêng để hỗ trợ nghiệp vụ tín dụng, kế toán của anh Minh đã giúp giảm bớt thời gian làm việc và tăng cường độ chính xác trong quá trình xử lý nghiệp vụ, tạo hiệu quả rõ nét trong việc kiểm tra, xử lý những phát sinh đột xuất từ các phòng giao dịch nhanh chóng kịp thời. Tiếp đó, anh Minh còn viết chương trình theo dõi số liệu từng ngày trên toàn tỉnh theo tiêu chí kế hoạch tín dụng, từng nguồn vốn, từng chương trình và một số chỉ tiêu đặc thù của tỉnh... Với những phần mềm này, lãnh đạo ngân hàng từ cấp tỉnh tới các chi nhánh có thể theo dõi giám sát và dễ dàng phát hiện, xử lý những vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện công việc. Anh Minh cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tiết giảm chi phí và thời gian làm việc cho người lao động. Từ đó, giúp người lao động có thể tập trung nhiều hơn cho công tác chuyên môn, hiệu quả công việc cũng tăng lên đáng kể”. Không chỉ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn nghiệp vụ, với vai trò cán bộ tín dụng, anh Minh còn chủ động tham mưu cho UBND các xã đánh giá chính xác vai trò của các cấp hội trong công tác hỗ trợ người dân vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, từ đó có những đề xuất giải quyết thỏa đáng, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp hội trong việc tín chấp giúp người dân vay vốn. Trên cương vị là Bí thư chi đoàn, anh Minh luôn phát huy vai trò gương mẫu, tích cực vận động đoàn viên chi đoàn học tập và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể như thực hành tiết kiệm nơi công sở, không ngừng học hỏi sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh, văn minh.

Nữ đảng viên trẻ say mê nghiên cứu khoa học

Công tác tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung từ năm 2007 với vai trò là chuyên viên IOS - môi trường, chị Tôn Nữ Thị Phương Vy, Phó Bí thư chi bộ Khối Văn phòng của Công ty, luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu để phát triển những ý tưởng, sáng kiến thành những đề tài khoa học có tính ứng dụng cao trong lao động, sản xuất.

Chị Tôn Nữ Thị Phương Vy đang kiểm tra dây chuyền  sản xuất bia qua hệ thống máy tính.
Chị Tôn Nữ Thị Phương Vy đang kiểm tra dây chuyền sản xuất bia qua hệ thống máy tính.

Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008, sản lượng bia của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - miền Trung lúc đầu chỉ đạt 25 triệu lít/năm. Trước thực tế sản lượng bia chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường Tây Nguyên, chị Vy cùng đồng nghiệp đã đề ra ý tưởng rút ngắn thời gian sản xuất để tăng sản lượng bia, từ đó đề tài “Rút ngắn thời gian mẻ lọc trên nồi lọc Lauter ton” được ra đời. Đề tài này đã giúp giảm thời gian khấu hao thiết bị của nhà máy (rút ngắn giai đoạn lọc từ 3 giờ xuống còn 2,5 giờ), nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp lãnh đạo đơn vị chủ động trong quá trình điều phối kế hoạch sản xuất, giảm chi phí sản xuất do tăng công suất lao động mà số lượng nhân công không thay đổi. Đề tài này đã đưa sản lượng của Công ty tăng từ 25 triệu lít lên 30 triệu lít/ năm, tăng doanh thu thêm trên 700 triệu đồng/năm; đã đoạt giải Nhì “Hội thi sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ Dak Lak tổ chức. Sau thành công của đề tài khoa học thứ nhất, chị Vy tiếp tục tìm hiểu và cho ra đời đề tài “Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị” vào năm 2009 với mong muốn xây dựng ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong cán bộ, công nhân Công ty và giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho đơn vị (tiết kiệm được 76 triệu đồng/ tháng). Đề tài này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng khen Lao động sáng tạo trong Hội thi “Tòa nhà năng lượng 2010” do Bộ Công thương tổ chức. Sau thành công của 2 đề tài khoa học, được sự khuyến khích của Công ty, chị Vy đã vận động cán bộ, công nhân trong đơn vị thi đua nghiên cứu khoa học, đưa ra các phát minh, sáng chế nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, tạo phong trào thi đua học tập nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật lan tỏa đến toàn thể cán bộ và công nhân Công ty.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sản xuất bền vững, tăng giá trị cà phê Krông Năng
Trong những năm gần đây, huyện Krông Năng triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Trong đó, Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm.