Multimedia Đọc Báo in

Phụ huynh vẫn lơ là việc đội mũ bảo hiểm cho con

07:08, 30/06/2013

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam có 77% người trưởng thành tham gia giao thông bằng xe gắn máy đội mũ bảo hiểm (MBH) đúng quy cách, trong khi đó trẻ em chỉ có 32%. Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông, nếu vi phạm thì phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng nhưng nhiều phụ huynh ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn thờ ơ với việc đội MBH cho con em mình.

 Nhiều  phụ huynh vẫn lơ là trong việc đội mũ  bảo hiểm cho con.
Nhiều phụ huynh vẫn lơ là trong việc đội mũ bảo hiểm cho con.

Qua quan sát của chúng tôi khi ngồi ở một  quán nước trên đường Lê Duẩn, cứ 10 phụ huynh chở trẻ thì có 5 phụ huynh không đội MBH cho trẻ. Thậm chí, nhiều phụ huynh chở 2-3 trẻ cùng lúc không đội MBH. Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ quán nước cho biết, đường Lê Duẩn là một trong những tuyến đường chính của TP. Buôn Ma Thuột, mật độ xe cộ lưu thông nhiều, đặc biệt là xe con, xe tải chạy với tốc độ rất cao. Nhiều phụ huynh không chỉ không đội MBH mà còn cho con đứng phía trước xe tay ga, hoặc vòng tay để ôm trẻ và chỉ lái xe một tay rất nguy hiểm. Nếu lỡ may ngã, nghiêng xe hay thắng tránh ổ gà gấp thì đứa bé rất dễ văng ra khỏi xe hay va phải tay lái nguy hiểm đến tính mạng. “Cách đây vài tháng, tôi đã chứng kiến một đứa trẻ bị văng từ xe xuống đường khi phụ huynh thắng gấp tránh ổ gà ở ngã ba đường Nguyễn Viết Xuân và Lê Duẩn. Rất may xe chạy chậm nên cháu bé chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng vụ tai nạn cũng làm nhiều khách đi đường hú vía…”, chị chủ quán kể lại.

Có thể nói việc chở trẻ khi tham gia giao thông mà không đội MBH rất nguy hiểm và ai cũng biết. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn còn lơ là với việc đội MBH cho con em mình. Khi được hỏi, hầu hết các bậc phụ huynh đều viện ra những lý do biện minh cho việc không MBH cho trẻ khi tham gia giao thông. Ông Nguyễn Văn Thành ở đường Đặng Thái Thân cho biết: “Nhà tôi ở gần hai trường tiểu học nên ngày nào cũng thấy phụ huynh chở con không đội MBH đi học. Buổi chiều, khi đi làm về thi thoảng tôi chở con đi chơi, chủ yếu là đi những nơi gần như Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi, quảng trường, thăm bà con.... chỉ nhoáng một cái là tới nơi. Mặt khác, khi chở con thì phải chạy xe cẩn thận, chạy chậm và chắc vì thế việc đội MBH cho trẻ là không cần thiết”. Còn anh Trần Thanh Hiếu ở đường Y Ngông cho biết: “Con gái tôi 6 tuổi nhưng nhìn như 4 tuổi, gầy, sức khỏe của bé yếu, MBH dành cho trẻ em tuy nhỏ nhưng khi đội vào nó trùm hết mặt bé, sức nặng của chiếc mũ khiến bé phải cúi người xuống. Do vậy, tôi không đội MBH cho bé, sợ ảnh hưởng tới sự phát triển của con”.

Việc đội MBH cho trẻ là bảo đảm sự an toàn, tính mạng của trẻ khi tham gia giao thông, nhưng thực tế nhiều phụ huynh lại đội MBH để đối phó với cơ quan chức năng nên đoạn đường nào gần, đường hẻm thường không có cảnh sát giao thông thì không đội MBH. Đây cũng là hành vi phản giáo dục, bởi ở trường trẻ em được thầy cô dạy những hiểu biết cần thiết như: qua đường khi có tín hiệu đèn giao thông, ở những đoạn đường có vạch trắng hay khi ra đường phải đi bên phải... Thực tế, khi dừng tại các ngã ba, ngã tư có tín hiệu đèn giao thông người đi đường thường nghe những câu nói của trẻ: “Mẹ ơi! đèn đỏ kìa. Dừng lại”; “Đèn vàng đi chậm”, hay “Ba ơi! đèn xanh, đèn xanh mình đi thôi”…  Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh lại “quên” đội MBH cho con.

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông để làm gương cho trẻ.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm nước ta có khoảng 1.200 người tử vong, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông; trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm đến 35%. Còn theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 24 – 26% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 13,4%; trong đó gần 50% các trường hợp bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.