Công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy còn nhiều bất cập
Từ nhiều năm nay, nếu như công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ luôn được các cấp, ngành, đoàn thể chú trọng thì công tác này đối với đường thủy nội địa (ĐTNĐ) dường như vẫn còn bị xem nhẹ, kéo theo nhiều bất cập.
Người dân vẫn liều mình ngồi trên con thuyền do người đàn ông khiếm thính điều khiển. |
Mặt khác, dọc các tuyến sông, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở rất cao do tình trạng khai thác cát bừa bãi, nhưng không có biển báo chỉ vị trí nguy hiểm nên người dân vẫn vô tư đánh bắt thủy sản, qua lại trên sông. Trong khi đó, do chưa có quy hoạch về bến bãi nên việc neo đậu của các thuyền, đò rất lộn xộn. Theo quan sát thực tế dọc sông Krông Ana cho thấy, đủ các loại phương tiện, từ thuyền, đò có động cơ đến không có động cơ đều neo đậu theo kiểu “mạnh ai nấy làm, việc ai nấy lo”. Thực trạng này cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng, bởi không có căn cứ, quy định nào để tiến hành xử phạt. Hơn nữa, đa số các thuyền, đò đều chưa được cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm; điều kiện an toàn kỹ thuật đều không bảo đảm nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Còn về thuyền viên cũng gặp khó khăn trong việc học, thi giấy phép lái thuyền nên ít người có giấy phép này. Bởi như tìm hiểu, Dak Lak chưa có cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái thuyền nên để có chứng chỉ hoặc giấy phép, người dân phải lặn lội tới Khánh Hòa hoặc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, việc đi lại tốn kém, phiền phức, trong khi điều kiện kinh tế của đa số chủ thuyền không mấy khá giả nên vẫn còn một số thuyền viên ái ngại việc đi học bằng lái. Thậm chí một số lái thuyền không hề có bất cứ kiến thức nào về động cơ, kỹ thuật tàu thuyền hoặc bảo đảm an toàn giao thông cho hành khách đường thủy… vẫn thản nhiên cầm lái mà không có cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Còn tại bến đò Buôn Trấp (huyện Krông Ana) một người khiếm thính đã điều khiển con thuyền từ nhiều năm nay, với hàng ngàn lượt hành khách, hàng chục tấn hàng hóa của người dân xã Krông Nô (tỉnh Dak Nông) và huyện Krông Ana (tỉnh Dak Lak) mà chẳng thấy cơ quan, đoàn thể nào chú ý, nhắc nhở! Chưa kể, công tác bảo đảm ATGT tại các bến đò ngang dường như đang bị chủ đò phớt lờ. Hầu hết các chủ đò đều được trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, tuy nhiên họ không nhắc nhở người dân thực hiện.
Theo thống kê của Đội CSGT đường thủy, 6 tháng đầu năm 2014, đã phát hiện 51 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy, nhắc nhở 3 trường hợp, lập biên bản xử lý 28 trường hợp. Mặc dù không xảy ra TNGT trên các tuyến thủy nội địa, nhưng dự báo những tháng mùa mưa sẽ có diễn biến phức tạp. Do đó, công tác bảo đảm ATGT được đội CSGT đường thủy chú trọng, bám sát chủ đề cuộc vận động “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”của Ủy ban ATGT Quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn đường thủy và kỹ năng tham gia phòng chống đuối nước trẻ em tại các địa phương có nhiều sông, suối. Đồng thời, nhắc nhở, vận động người dân và chủ đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay để phòng tránh TNGT thủy mỗi khi qua đò.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc