Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông - ám ảnh những nỗi đau

08:41, 12/12/2018

“Đi đến nơi, về đến chốn” là điều mong muốn của mỗi người khi ra khỏi nhà. Thế nhưng, không ai có thể lường trước được điều gì khi hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT) vẫn luôn rình rập trên mọi nẻo đường...

Đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi mất đi người chồng tương lai trong một vụ TNGT, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai đối với chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1991, trú thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar). Nằm trên giường bệnh, chị vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, vào khoảng 19 giờ 30 ngày 8-7-2018, chị được người yêu (là một cán bộ đang công tác tại Trại giam Đắk Tân) chở bằng xe máy lưu thông trên Quốc lộ 26 từ huyện Ea Kar về M’Đrắk, khi đến đoạn đường qua xã Ea Ty (huyện Ea Kar) bất ngờ xảy ra va chạm với một chiếc xe tải lưu thông theo chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến người yêu tử vong tại chỗ còn chị may mắn thoát chết trong gang tấc nhưng chân trái bị dập nát.

“Bọn em dự định cưới trong năm nay, với biết bao nhiêu dự định, hoài bão phía trước. Nhưng nay thì...” - chị Hiền nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Còn theo bác Nguyễn Ngọc Hữu (70 tuổi, bố chị Hiền), sau khi người yêu mất vì tai nạn, bản thân Hiền phải trải qua 4 lần phẫu thuật chân, nỗi đau về thể xác cộng với nỗi đau tinh thần khiến chị sức khỏe đã yếu nay càng yếu hơn, cuộc sống gia đình cũng vì thế trở nên khó khăn vì chi phí thuốc men và người nhà phải bỏ công việc để đi chăm sóc. “Đến nay, sau hơn 5 tháng điều trị tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, cháu có thể tập tễnh đi lại bằng nạng, nhưng không thể biết được về lâu dài cháu có thể đi trở lại bình thường như trước được hay không?”, bác Hữu lo lắng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tiến hành đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn  TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tiến hành đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hữu Phúc (SN 1962) và bà Trần Thị Tuân (SN 1971, trú tại thôn 5, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) - nạn nhân tử vong trong vụ TNGT xảy ra vào sáng 4-11-2018 cũng lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi ông bà mất đi để lại 7 người con; trong đó, 2 con lớn lập gia đình sống ở xa, một đứa đã nghỉ học, còn 4 chị em đang tuổi đến trường. Trước đây, bà Tuân hằng ngày bán ngô luộc ở chợ Trung Hòa, còn ông Phúc vừa chăm sóc mảnh vườn nhỏ vừa đi làm thuê. Ông bà mất đi, các con nhỏ được người thân chăm sóc, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, rồi sau này cuộc sống sẽ ra sao khi thiếu vắng đi bàn tay chăm lo của cha mẹ vẫn đang còn là câu hỏi chưa có lời đáp...

Thời gian qua, những trường hợp TNGT dẫn đến tử vong hay để lại thương tật như 2 trường hợp trên đã xảy ra rất nhiều. Chứng kiến những thảm cảnh đó mới có thể thấu hiểu được hậu quả khủng khiếp do TNGT gây ra. Có thể thấy, sau những vụ TNGT, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn; nhiều gia đình khánh kiệt vì phải chữa trị cho người thân, trong đó có nhiều nạn nhân là lao động chính càng khiến tình cảnh gia đình người bị nạn thêm bi đát.

Hiện trường một vụ TNGT xảy ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Hiện trường một vụ TNGT xảy ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
 
“TNGT tuy chỉ xảy ra trong giây phút nhưng nỗi đau để lại thì còn mãi và không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy nhường nhịn nhau khi qua đường, không phóng nhanh vượt ẩu, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia; hãy đội mũ bảo hiểm cho mình và người thân khi đi mô tô, xe gắn máy; tham gia giao thông một cách văn minh, lịch sự…”.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng

Theo Ban ATGT tỉnh, hầu hết các vụ TNGT đều xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện như: không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, sử dụng rượu bia quá mức cho phép khi tham gia giao thông... Trung bình mỗi ngày trên thế giới có hàng nghìn người tử vong do TNGT. Ở Việt Nam, mỗi ngày trôi qua, TNGT lại cướp đi sinh mạng của 24 người và làm cho gần 60 người lâm vào hoàn cảnh tàn phế suốt đời, để lại sự đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Tại Đắk Lắk, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 200 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết khoảng 200 người. Đồng nghĩa với mỗi năm có hàng trăm gia đình phải gánh chịu những tổn thương, mất mát do TNGT gây ra. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong năm 2018 (từ 16-11-2017 đến 15-11-2018) trên địa bàn tỉnh xảy ra 403 vụ TNGT, làm chết 254 người, bị thương 336 người; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 89 vụ (18,4%), giảm 14 người chết (5,2%) và giảm 79 người bị thương (19%).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với sự đồng lòng của người dân, TNGT trong toàn quốc liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao, hậu quả để lại cho nạn nhân và gia đình họ vẫn hết sức nặng nề. Để giảm thiểu nỗi đau, mất mát từ TNGT, hơn ai hết vẫn là ý thức trách nhiệm của mọi người khi tham gia giao thông...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc