Multimedia Đọc Báo in

Nhân "Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" tại Việt Nam

Hành động vì người ở lại

13:54, 25/11/2019

Trung tuần tháng 11-2019, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức chương trình thăm hỏi các gia đình có người thân bị TNGT trên phạm vi cả nước, trong đó Đắk Lắk có 10 trường hợp.

Từ năm 2013 đến nay, “Ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT" được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước. Vào tháng 11 hằng năm, Ủy ban ATGT Quốc gia đều phối hợp với các địa phương trên phạm vi cả nước tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người thân bị TNGT.

Đến thăm hỏi, chia sẻ với các trường hợp có người thân bị thương, tử vong do TNGT tại hai huyện Ea H’leo và Krông Năng, ai nấy đều xót xa trước hoàn cảnh ngặt nghèo của các gia đình.

Gia đình bà Phùng Thị Sáng tại thôn 9, xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) hiu hắt trong cảnh “mẹ góa con côi”. Năm 2007, trên đường đi làm về, chồng bà là ông H.V.T bị xe tông tử vong tại chỗ.

Đã 12 năm trôi qua, bà Sáng vẫn không nguôi nỗi đau khi nhắc lại cái ngày định mệnh ấy. Chồng mất, con gái đầu mới được 6 tuổi, trai út được 4 tuổi, gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, nhà không có đất sản xuất, hằng ngày bà làm thuê nay đây mai đó để trang trải cuộc sống gia đình.

May sao bà được một người họ hàng cho mượn mấy sào đất làm lúa, những lúc khỏe mạnh thì đi làm thuê theo mùa vụ để có tiền nuôi con ăn học. Nay con gái đầu đã lớn, đi làm thuê nên hằng tháng cũng có ít nhiều gửi về để bà Sáng xoay xở các khoản chi tiêu của hai mẹ con.

Đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi bà Phùng Thị Sáng (xã Cư Amung, huyện Ea H'leo) có chồng bị tai nạn giao thông.
Đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi bà Phùng Thị Sáng (xã Cư Amung, huyện Ea H'leo) có chồng bị tai nạn giao thông.

Gia đình ông Cao Ngọc Thảo, thôn Ea Tưn (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Vợ mất sớm, ông là chỗ dựa duy nhất của người con trai là anh C.N.T (SN 1975) bị bệnh tâm thần.

Năm 2014, ông Thảo bị xe máy tông khi đang đi bộ ngoài đường dẫn đến đa chấn thương. Từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua ông phải ăn nằm một chỗ, hoàn toàn mất khả năng lao động. Từ ngày ông bị nạn, anh T. không được chăm sóc chu đáo nên trở bệnh nặng hơn, thường đập phá đồ đạc trong nhà; con gái út của ông là chị Cao Thị Hiền lấy chồng gần nhà phải thường xuyên tranh thủ qua lại chăm sóc bố và anh trai.

Chị Hiền kể trong nước mắt, ngoài chị ra, ông không chịu tiếp xúc với bất cứ ai, cứ thấy người lạ là ông hét lên, không cho đến gần. Gia cảnh chị cũng hết sức khó khăn, đất sản xuất ít, hằng ngày vợ chồng chị vẫn phải làm thuê cuốc mướn, mọi chi tiêu của bố và anh trai chỉ trông chờ vào tiền chế độ bệnh tật hằng tháng của anh T. để đắp đổi qua ngày. Khi nào bố, anh trai trở bệnh nặng, cần tiền điều trị thì chị phải chạy vạy, vay mượn bà con lối xóm...

Bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi ông Cao Ngọc Thảo (xã Ea Tân, huyện Krông Năng).
Bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi ông Cao Ngọc Thảo (xã Ea Tân, huyện Krông Năng).

Đến thăm những gia đình có người thân bị TNGT, đoàn công tác của Văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia rất đồng cảm, chia sẻ nỗi đau, hoàn cảnh ngặt nghèo của mỗi gia đình.

Bà Trịnh Thu Hà, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia động viên những người còn lại cố gắng vượt qua nỗi mất mát để tiếp tục chăm lo cuộc sống tốt hơn, hướng tới tương lai; việc thăm hỏi không phải là gợi lại nỗi đau, mà là sự chia sẻ đối với người bị thương tật do TNGT và người thân của họ, đó chính là hành động thiết thực vì người ở lại.

Bà cũng mong muốn, qua hoạt động thăm hỏi sẽ làm lay động cộng đồng xã hội, từ đó sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra giúp đỡ, san sẻ  với những khó khăn của nạn nhân bị TNGT và người thân của họ hằng ngày đang phải đối chọi với thương tật, nghèo khó.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.