Cảnh giác với trò lừa báo nợ cước điện thoại
Ông Phạm Văn Long ở phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có thuê bao sử dụng một số điện thoại của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Sáng 2-6-2014, một giọng nói nữ gọi đến máy điện thoại cố định của gia đình và thông báo rằng ông Long đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước gọi điện thoại, nếu có gì thắc mắc thì nhấn phím 0 hoặc 9 để được giải đáp. Ông Long bối rối vì khoản nợ lớn không biết từ đâu ra nên đã bấm phím 9 thì gặp một người giọng nam giới. Người đó yêu cầu ông Long cung cấp số CMND và một số thông tin khác. Sau đó, người đàn ông đó nói ông Long chờ máy để kết nối với cán bộ Công an TP. Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ số nợ kia. Ngay sau đó, một giọng nói nam giới khác tự xưng là cán bộ ở một đơn vị phòng chống ma túy của Công an TP Hồ Chí Minh nói rằng tên và số CMND của ông Long được một người tên Nguyễn Văn Hùng sử dụng đăng ký thuê bao điện thoại ở TP. Hồ Chí Minh. Hùng là đối tượng mua bán 2 kg hêrôin. Do đó, Công an TP. Hồ Chí Minh phải điều tra để làm rõ sự liên quan. Hiện mọi tài khoản của tên Hùng đã bị cơ quan Công an phong tỏa, còn riêng ông Long, trong tài khoản cá nhân có bao nhiêu tiền thì phải chuyển hết vào một tài khoản an toàn do cơ quan Công an quản lý; đồng thời người đó còn đưa ra nhiều lời cảnh báo, đe dọa khác khiến ông Long càng rối trí. Từ ngạc nhiên đến lo sợ, ông Long đã làm theo và gửi hơn 31 triệu đồng vào một số tài khoản theo như người nọ hướng dẫn. Sau đó, thấy có sự nghi ngờ, ông Long đi hỏi cơ quan chức năng thì mới biết mình đã bị lừa mất trắng số tiền trên. Không riêng gì ông Long mà bà Trần Thị S., trú tại phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cũng gặp trường hợp tương tự và đã bị lừa đến 50 triệu đồng.
Chỉ tính từ cuối tháng 5-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn số điện thoại cố định thuê bao của VNPT gặp phải tình trạng này. Riêng các ngày 1, 2 và 3-6 đã có khoảng 700 số nhận được thông báo nợ cước kiểu nói trên. Có nhiều người tuy không mắc lừa nhưng hoang mang lo lắng bởi trong quá trình đàm thoại, theo yêu cầu của đối tượng họ đã khai báo nhiều thông tin cụ thể về gia đình. Trong đó, có không ít thông tin nhạy cảm. Ông Nguyễn Nam Quốc, Phó Giám đốc VNPT Chi nhánh Dak Lak cho biết: VNPT có nhân viên đến tận nhà thông báo cước điện thoại kèm hóa đơn chứ không có hình thức thông báo kiểu như trên. Đây là trò lừa đảo của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thường là do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu móc nối với một số đối tượng trong nước hoạt động. Bọn chúng có thể dùng phần mềm tin học giả lập nhiều đầu số khác nhau khi gọi tới các máy điện thoại của người dân rồi dàn cảnh, đóng kịch làm cho người dân tin để lừa. Trong khi lực lượng Công an và bộ phận chức năng của VNPT đang phối hợp để điều tra, làm rõ, xử lý thủ phạm thì các chủ thuê bao cần cảnh giác để tránh bị lừa tiền hoặc đánh cắp thông tin cá nhân sử dụng vào chuyện bất minh.
Nguyễn Trọng
Ý kiến bạn đọc