Multimedia Đọc Báo in

Chuyện học đường:

“Chạy” vào lớp 1, không khéo tiền mất mà… công toi!

07:40, 21/07/2013

Năm học 2013-2014, tân học sinh lớp 1 vào học đúng tuổi sẽ là lứa trẻ sinh năm “heo vàng” 2007. Sợ hậu quả của sự “bùng nổ dân số” sẽ khiến con em mình khó có cơ hội vào học tại các trường “điểm” – những trường ở trung tâm thành phố, được đánh giá là có “chất lượng cao”, nhiều phụ huynh đã đôn đáo tìm mọi cách “chạy” cho con vào các trường ưng ý.

Con vừa nghỉ hè sau khi học xong lớp mẫu giáo lớn, chị P. – một công chức tại TP.Buôn Ma Thuột – đã hỏi han mọi mối quan hệ để tìm đường cho con vào một trường tiểu học ở trung tâm thành phố, nơi mà chị hy vọng con mình sẽ được học bởi các thầy cô giáo “nổi tiếng” và làm “bàn đạp” để có thể thi vào được một trong những trường THCS “điểm” sau khi tốt nghiệp. Điều đáng nói là hộ khẩu của chị lại không thuộc địa bàn tuyển sinh của trường tiểu học nói trên. Nghe theo lời khuyên của nhiều người, chị P. quyết định “chạy” hộ khẩu cho con. Chẳng biết bằng cách nào chị cũng có hộ khẩu mới và nhờ người nộp hồ sơ cho con vào trường. Thông qua trung gian và tất nhiên là không “miễn phí”, chị cũng chỉ nghe hứa hẹn “yên tâm, chắc chắn sẽ được” mà cũng chưa biết liệu con mình có được vào học tại ngôi trường kia không. Cũng như chị P., mặc dù ở gần nhà cũng có một trường tiểu học song anh C., một tiểu thương, lại muốn cho con học tại một trường khác ở trái tuyến “nghe nói là có chất lượng hơn”. Anh đã nhờ vả một người nộp hồ sơ giùm (có kèm theo chút tiền bồi dưỡng) nhưng đến nay người ấy vẫn chỉ hứa hẹn “phải chờ xem xét”.

“Năm nay ngành Giáo dục thành phố sẽ siết chặt công tác tuyển sinh nhằm tránh xảy ra tình trạng tiêu cực như “chạy” trường, học sinh học không đúng tuyến” – đó là khẳng định của ông Trần Bá Hùng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Buôn Ma Thuột. Theo điều tra dựa trên số liệu thống kê phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi đến từng khối, phố, Phòng GD-ĐT dự kiến sẽ có 5.837 trẻ vào lớp 1 trong năm học 2013-2014, con số này xấp xỉ với số lượng học sinh lớp 1 của năm học trước; căn cứ trên điều tra này, phòng phân bố chỉ tiêu phù hợp với từng trường trong số 55 trường tiểu học (trong đó có 49 trường công lập) trên địa bàn 21 xã, phường. Vì thế, việc nhận học sinh học trái tuyến sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến xảy ra tình trạng có những trường có quá nhiều hồ sơ xin vào, gây áp lực không đáng có. Để hạn chế tình trạng này, rút kinh nghiệm từ những năm học trước, năm nay Phòng GD-ĐT thành phố quy định tất cả các trường tiểu học, kể cả công lập và ngoài công lập, phải tổ chức tuyển sinh trong thời gian nhất định (từ ngày 8 đến 20-7), tránh trường hợp có những trường tổ chức tuyển sinh sớm. Bên cạnh đó, để phòng tình trạng “chạy” hộ khẩu, ngành GD-ĐT thành phố cũng quy định các trường chỉ nhận những học sinh có hộ khẩu trên địa bàn tuyển sinh từ 5-9-2012 về trước, với những trường hợp có hộ khẩu sau thời điểm này sẽ để lại xem xét sau ngày 20-7. Hơn nữa, học sinh được nhận vào trường sẽ phải hoàn thành theo mẫu hồ sơ do Phòng GD-ĐT ban hành (mà mẫu hồ sơ này chỉ được cấp đến các trường vào ngày 5-7). Ông Hùng cũng khẳng định, tất cả các hồ sơ mà các trường đã nhận sẽ được chính Phòng GD-ĐT xem xét từ sau ngày 20-7, vì thế, những trường hợp trái tuyến hay có nghi ngờ “chạy trường” – dù trường đã nhận – nhưng Phòng GD-ĐT phát hiện ra thì cũng sẽ bị loại.

Xem ra, với sự quyết tâm này của ngành GD-ĐT thành phố, các gia đình có con vào lớp 1 cần cân nhắc thận trọng, không nên bằng mọi cách “chạy trường” mà không khéo tiền mất, công.. toi!

Như Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.